MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu du lịch Bãi Cháy vào những ngày cuối tuần luôn trong tình trạng kẹt xe. Ảnh: Nguyễn Hùng

Giá cả ở Quảng Ninh đắt đỏ: Dân ngồi nhà ăn cơm như giá của du khách

Nguyễn Hùng LDO | 04/08/2022 15:21

Quảng Ninh - Theo cơ quan chức năng, chỉ số giá tiêu dùng của Quảng Ninh không tăng mạnh so với một số địa phương khác nhưng luôn ở mức cao nhất cả nước do chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh này đã được thiết lập ở mức cao từ nhiều năm nay. Trong khi đó, người dân, nhất là ở Hạ Long, cho rằng dù ăn uống ở nhà nhưng vẫn phải chịu chung cái giá của du khách.

Với những người dân Hạ Long, chỉ cần ghé vào chợ là có thể biết lượng khách đến Hạ Long dịp đó ra sao, mà không cần đến các điểm du lịch.

Nhìn những sạp rau, khu bán hải sản vơi dần hoặc trống trải thì người dân Hạ Long biết là do du khách mua nhiều hoặc các nhà hàng, khách sạn thu mua với số lượng lớn để phục vụ du khách.

Một mớ rau muống có thời điểm lên tới 15.000 – 20.000 đồng; hải sản và các loại thực phẩm khác cũng thường luôn cao hơn so với các địa phương khác bởi Quảng Ninh phải nhập rau, củ quả từ nơi khác về.

Anh Nguyễn Văn Quân, trú tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long cho biết, chi phí cho các bữa ăn tối thiểu/ngày cho 4 người trong gia đình anh là từ 200.000-250.000 đồng.

“Thu nhập của 2 vợ chồng tôi chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, cũng chỉ đủ cho việc ăn uống tối giản cho gia đình, chưa kể tiền thuê nhà. Có khi cả tháng cũng không dám ra ngoài ăn bát phở, uống ly cà phê” – anh Quân chia sẻ.

Chợ Hạ Long 1. Ảnh: Nguyễn Hùng

Chị Lê Thanh Hương – công nhân KCN Cái Lân, TP.Hạ Long – cho biết, cứ mỗi lần ra chợ là hoa cả mắt vì đồng lương ít ỏi không theo kịp giá ngoài chợ.

“Sống ở thành phố du lịch đắt đỏ như thế này, chúng tôi ngồi nhà mà cứ như phải ăn cơm với giá của du khách” – chị Hương tâm sự.

Một số công chức nhà ở Bãi Cháy cho biết, thường phải sang khu vực Hòn Gai đi chợ và mua một lần, ăn cả tuần. Bởi, các chợ, siêu thị ở khu du lịch Bãi Cháy luôn trong tình trạng hết hàng, hoặc còn rất ít hàng vì du khách quá đông.

“Với đồng lương công chức hiện nay, sống ở một thành phố đắt đỏ như Hạ Long cũng là một áp lực” – anh L.Đ.K – công chức một sở của Quảng Ninh than thở  – “Dường như mặt hàng nào cũng cao hơn so với các tỉnh, thành khác. Nhiều nơi “tát nước theo mưa” khi giá xăng dầu lên. Bán bún, phở có nơi tăng thêm 10.000 đồng/bát, dù trên bảng giá vẫn ghi giá cũ”.

Du khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh, TP.Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Tổng Cục thống kê, Quảng Ninh là nơi có mức sống đắt đỏ đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội và xếp trên cả TPHCM. Từ 2015 đến nay, chi phí sinh hoạt ở Quảng Ninh ngày càng cho thấy tăng lên và ngày càng đắt đỏ. Lý do: Quảng Ninh triển khai dịch vụ, công nghiệp hiện đại và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện về du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng của Quảng Ninh tăng 2,50% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức bình quân chung cả nước 0,06%, cao hơn bình quân chung vùng Đồng bằng Sông Hồng 0,23% (chủ yếu tăng ở nhóm ăn uống ngoài gia đình).

Cũng theo đơn vị này, bình quân 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, trong 11 nhóm hàng hóa có 9 nhóm hàng hóa tăng giá.

Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,52%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,10%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 6,23%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,65%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,57%; Giao thông tăng 15,24%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,10%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,50%. 2 nhóm hàng giảm: Nhóm hàng hóa Bưu chính viễn thông giảm 0,13%; Giáo dục giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn