MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phạm nhân và người thân cùng nhau ăn bữa cơm thân mật. Ảnh: Xuân Nhi

Gia đình được vào trại cùng ăn cơm, trò chuyện, thăm nơi ở phạm nhân

NGUYÊN ANH LDO | 30/12/2023 11:32

Từ sáng sớm, thân nhân các phạm nhân Trại giam Kênh 7 (Kiên Giang) có mặt trước nhà chờ để vào gặp người thân của mình. Không chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại mà lần này, họ được trực tiếp trò chuyện và cùng người thân ăn bữa cơm sum họp.

Ngày 30.12, Trại giam Kênh 7 (thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an), đóng trên địa bàn huyện An Biên và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân lần thứ 10.2023.

Đây là dịp để trại giam, cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, thân nhân gia đình phạm nhân trao đổi tình hình, thảo luận, đưa ra giải pháp, phương pháp để giáo dục, cảm hóa phạm nhân trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Từ sáng sớm, thân nhân các phạm nhân Trại giam Kênh 7 đã có mặt trước nhà chờ, ai cũng háo hức để gặp người thân.

Trước khi diễn ra Hội nghị, hơn 100 gia đình phạm nhân được Ban lãnh đạo, chỉ huy Phân trại số 2 (Trại giam Kênh 7) đưa vào tham quan nơi ăn, ở, nơi sinh hoạt tập trung và Thư viện đọc sách ngay trong nhà giam.

Người nhà của phạm nhân vào thăm nơi ăn, nghỉ của con em mình trong Trại giam. Ảnh: Xuân Nhi

Thấy nơi ăn, nghỉ sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp, bà T (ngụ huyện Gò Quao) là mẹ phạm nhân A bị kết án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúc động nói: “Con tôi có tội, Nhà nước phạt thì mình phải chấp nhận lĩnh án. Nhưng hôm nay được vào trong trại giam, thấy nơi ăn ở của cháu được sạch sẽ, được quan tâm như thế này, tôi cảm thấy yên tâm lắm. Tôi cầu mong con mình sớm nhận ra lỗi lầm, cải tạo tốt để về với gia đình”.

Đại tá Lê Thế Tý - Giám thị Trại giam Kênh 7 cho biết: Phạm nhân khi mới nhập trại được học tập chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với người thi hành án phạt tù; nội quy kỷ luật trại giam; quyền và nghĩa vụ phạm nhân; quy tắc giao tiếp, ứng xử; chế độ sinh hoạt, y tế, gặp gỡ thân nhân, tiếp nhận thư, tiền, quà… Và mục đích cuối cùng của công tác thi hành án phạt tù là giáo dục cảm hóa phạm nhân thành người có ích cho xã hội.

Đại tá Lê Thế Tý cho biết thêm: “Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp giáo dục khác nhau, để tác động, giáo dục phạm nhân. Việc Trại giam Kênh 7 tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân hôm nay cũng là một trong những biện pháp để phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Trong suốt thời gian chấp hành án tại Trại, cán bộ trại giam luôn động viên, cảm hóa giáo dục phạm nhân vượt qua mặc cảm, sửa chữa sai lầm, sớm làm lại cuộc đời”.

Là một trong số 50 phạm nhân tiêu biểu tham dự Hội nghị, anh H.T.T (SN 1979), ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang, bày tỏ: “Khi bị tòa án tuyên phạt 12 năm về tội Mua bán trái phép chất ma túy, tôi nghĩ cuộc đời mình đã khép lại. Thế nhưng sau hơn 8 năm thi hành án, tôi nhận ra mình vẫn còn tương lai. Qua đây, tôi cũng mong thân nhân gia đình phạm nhân hãy cố gắng dành chút thời gian thường xuyên thăm hỏi, động viên, nhắc nhở con em mình phải luôn phấn đấu cải tạo tốt, để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng làm ăn lương thiện, không tái phạm tội”.

Thượng tá Nguyễn Việt Tân – Phó Giám thị Trại giam Kênh 7 trao quà từ Quỹ Tấm lòng vàng cho phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Xuân Nhi

Dịp này, Phân trại số 2, Trại giam Kênh 7 đã trao tặng 20 suất quà cho 20 phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn từ Quỹ “Tấm lòng vàng”. Đồng thời, đã phát động, tổ chức đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ để giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần cho những phạm nhân có hoàn cảnh kém may mắn, thường xuyên ốm đau, bệnh nặng, không có thân nhân thăm gặp, khắc phục một phần khó khăn trong đời sống, sinh hoạt để họ an tâm chấp hành án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn