MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Nhà máy Samsung Bắc Ninh ăn trưa. Ảnh: Hải Nguyễn

Già hóa dân số - vấn đề của nhiều quốc gia

Song Minh LDO | 21/02/2023 08:51

Các quốc gia có dân số già hóa và sụt giảm ở Đông Bắc Á có khả năng tiếp tục là những cường quốc chính của Châu Á trong tương lai gần, nhưng sẽ liên kết theo những cách thức mới với các quốc gia đang phát triển của châu lục này - bài phân tích trên trang East Asia Forum nhận định.

Già hóa dân số nhanh

Các nền kinh tế thống trị của Châu Á - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - đang cùng nhau trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chưa từng thấy. Năm 1999, Nhật Bản có độ tuổi trung bình là 40,4, nhưng đến năm 2021 Nhật Bản tiếp tục có độ tuổi trung bình cao nhất thế giới là 48,4 và các nước láng giềng của Nhật Bản xếp ngay sau. Ngược lại, phần lớn dân số thế giới sống ở các nước nghèo với độ tuổi trung bình trẻ - bao gồm một số quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Hàn Quốc là một ví dụ về xu hướng ở các quốc gia Đông Bắc Á khác - bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cũng như Triều Tiên ở mức độ thấp hơn - nơi dân số đang già đi nhanh chóng và đã bắt đầu thu hẹp tổng quy mô. Bất chấp việc Hàn Quốc tiếp tục vươn lên thành một cường quốc kinh tế và những khoản tăng chi tiêu quốc phòng gần đây, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức thực sự trong những năm tới. Dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc sẽ giảm đáng kể, gần 35% dân số trong độ tuổi lao động (20-64 tuổi) từ nay đến năm 2050 dựa trên tỉ lệ sinh hiện tại. Trung Quốc đại lục sẽ giảm 20,6%, tương đương giảm hơn 186 triệu người trong độ tuổi này trong 27 năm tới.

Nhập cư là một lựa chọn để duy trì dân số trong độ tuổi lao động mạnh mẽ. Một nhóm các quốc gia trong khu vực - bao gồm Australia, New Zealand và Singapore - đã áp dụng cách tiếp cận này để bù đắp tỉ lệ sinh dưới mức thay thế trong dân số bản địa, giúp dân số tiếp tục tăng. Nhật Bản và Hàn Quốc đã thử nghiệm tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thiết lập các chương trình mới ở quy mô có tác động rõ rệt đến tình trạng già hóa nhanh chóng. Với quy mô dân số lớn của Trung Quốc, nhập cư đơn giản không phải là một lựa chọn để bù đắp cho sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động.

Chuyển đổi nhân khẩu học tạo ra kết nối mới

Sự chuyển đổi nhân khẩu học đa dạng của Châu Á đang tạo ra những kết nối mới đáng ngạc nhiên. Các siêu cường sản xuất - Nhật Bản và Hàn Quốc - đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang những nơi có dân số trẻ hơn. Năm 2018, hơn 1/4 GDP của Việt Nam là từ Samsung Hàn Quốc. Đây không phải là con đường một chiều, vì sản xuất tại Việt Nam chiếm 30% doanh số bán hàng toàn cầu của Samsung trong năm đó.

Việt Nam cũng là một ví dụ về một nhóm các quốc gia trong khu vực hầu như không thể duy trì dân số ổn định mà không có người nhập cư, đồng thời trải qua nhiều thay đổi nhân khẩu học trong nước. Sự dịch chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị là động lực thúc đẩy thị trường lao động - nhân tố quan trọng của tăng trưởng nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, sự cộng sinh ngày càng tăng giữa Hàn Quốc và Việt Nam là một ví dụ điển hình về sự liên kết nhân khẩu học của Châu Á, khi Hàn Quốc tiếp tục đặt các hoạt động sản xuất chi phí thấp của mình ở các quốc gia khác.

Một số quốc gia “cường quốc tầm trung” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dự đoán là sẽ hưởng lợi từ “lợi tức nhân khẩu học” mà các nền kinh tế Đông Bắc Á đã trải qua hàng thập kỷ trước. Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm 2024, với mức tăng dân số dự kiến khoảng 256 triệu người vào năm 2050 - so với mức giảm dân số dự kiến là 176 triệu người của Nga, Nhật Bản và Trung Quốc cộng lại, bên cạnh tốc độ già hóa nhanh hơn của những quốc gia này.

Nhóm các quốc gia nói trên phải đối mặt với những thách thức rất khác nhau liên quan đến nhân khẩu học, chẳng hạn như lo ngại về việc có quá nhiều dân và không đủ việc làm, cũng như khả năng dẫn đến bất ổn chính trị. Trong thế kỷ XXI, 98% mức tăng dân số sẽ tập trung ở các nước kém phát triển và dân số thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh trước khi thế kỷ kết thúc.

Sự thay đổi nhân khẩu học bên trong các nền kinh tế dân số già của Châu Á góp phần tăng cường đầu tư vào các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, tạo ra những cơ hội mới để hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng các nhà lãnh đạo trên khắp khu vực phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng gia tăng do cơ sở hạ tầng không phù hợp cho các thành phố đang phát triển, một thách thức khác do nhân khẩu học gây ra.

Sự thay đổi dân số của Châu Á nhấn mạnh tính liên kết của khu vực và những thách thức chung mà các quốc gia phải đối mặt. Thay vì đẩy họ ra xa nhau hơn, sự khác biệt về nhân khẩu học của Châu Á đang mang nhiều quốc gia xích lại gần nhau hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn