MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu ấp Đông, xã Long Hựu Đông được xây dựng với kinh phí 163 triệu đồng hoàn thành trong năm 2015 do ông Chuộng vận động. Ảnh: An Long

Già không có nghĩa là ngừng giúp đỡ người khác

AN LONG LDO | 03/01/2022 11:30
65 tuổi nhưng ông Cổ Kim Chuộng ở ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) có hơn 30 năm chuyên đi vận động giúp đỡ người nghèo, khó khăn, xây cầu cho dân... Từ lâu ông nổi danh là người chuyên lo chuyện “bao đồng”, còn ông luôn tự nhận mình là “người đi xin”...

Xin cho người nghèo…

Ông Cổ Kim Chuộng là mưu sinh bằng nghề sửa đồng hồ ở ấp Chợ xã Long Hựu Đông; vợ ông bán dừa ở chợ gần nhà; hai người con trai, một làm tiếp thị ở TPHCM, một người là cán bộ văn hóa xã. Làm nghề tỉ mỉ, luôn giữ đúng lời hứa với khách hàng, giá cả phải chăng nên cửa hàng nhỏ của ông Chuộng rất hút khách.

Mấy chục năm làm thiện nguyện, ông Chuộng không thể nhớ hết những cảnh đời, công việc mình đã làm. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, ông đã làm cầu nối để kêu gọi hỗ trợ hàng chục người nghèo, học sinh với số tiền hàng trăm triệu đồng cùng nhiều phần quà nhu yếu phẩm.

Bên cạnh đó, ông Chuộng trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân xây dựng hơn 10 căn nhà tình thương. Ông cũng vận động phẫu thuật miễn phí cho nhiều em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ vận động đoàn y, bác sĩ ở TPHCM về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân nghèo; ông còn vận động sách, vở giúp học sinh nghèo.

Sau khi giúp đỡ, có thời gian ông Chuộng vẫn đến thăm hỏi, động viên. Gần đây, có trường hợp mẹ cha của bé gái ở bên ấp Long Ninh, xã Long Hựu Tây được ông vận động mổ tim tìm đến nhà cảm ơn ông.

Hỏi lý do gì luôn thôi thúc bản thân làm việc nghĩa, ông Chuộng nói: “Tôi luôn có sự đồng cảm và rung động trước những mảnh đời khốn khó. Việc tôi làm không bao giờ nghĩ được trả ơn mà chỉ mong họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Với tôi làm việc nghĩa là tự bản thân thôi thúc, đó còn là một việc làm rất tự nhiên, đời thường”.

Đặc biệt, nhiều người còn biết đến ông là người vận động xây dựng hơn 15 cây cầu bêtông thay thế cầu cây ở 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Mỗi công trình thi công có khi thời gian kéo dài 2 - 3 tháng nhưng tuần nào ông cũng có mặt giám sát việc thi công.

Ông Chuộng chia sẻ: Vùng đất cù lao Long Hựu nhiều kênh, rạch nhưng vẫn còn nhiều cây cầu thiếu an toàn, vận chuyển hàng khó khăn. Trong khi đó, kinh phí Nhà nước có giới hạn. Ông kể, nhiều lần tận mắt thấy người dân, nhất là lũ trẻ đến trường vất vả, nguy hiểm và nghe người dân ao ước có được cây cầu bêtông, nên ông đã suy nghĩ rồi quyết định đi vận động kinh phí xây dựng cầu.

“Nhờ ông Chuộng mà người dân có thêm được cây cầu bêtông vững chắc thay thế cầu cây. Từ những cây cầu này người dân, học sinh đi lại thuận lợi. Ở đây, người dân, học sinh đều rất biết ơn và yêu quý ông Chuộng” - bà Trần Thị Vân - một người dân ở xã Long Hựu Tây bày tỏ.

Còn sức còn đi giúp đỡ

Với vóc dáng bề ngoài xương xương, làn da rám nắng, nụ cười hóm hỉnh có duyên, đôi mắt nhân từ và phong cách trò chuyện rất nông dân, chất phác cũng là một trong những yếu tố để ông đi xin được dễ dàng.

Theo ông Chuộng, là một người dân sửa đồng hồ nên mọi nguồn ông đi vận động đa phần là do tự xây dựng. Từ những địa chỉ vận động quen, ông nhờ giới thiệu thêm. Nhiều khi có những đoàn từ thiện về xã, huyện ông lại đến lân la làm quen rồi xin số điện thoại liên lạc. Những lúc cần vận động ông gọi điện nhờ. Khi đã biết ông, lại biết được việc ông đang làm, nhiều người sẵn sàng giúp đỡ. Vận động được tiền của mạnh thường quân, nhà tài trợ thì ông công khai, chuyển đầy đủ số lượng và đúng thời gian đến đối tượng thụ hưởng. Khi trao tiền hay khánh thành công trình, ông đều thông báo cho nhà tài trợ, mạnh thường quân xuống dự.

“Trong năm 2015 tôi đi vận động được một số tiền của một nhà tài trợ để làm một công trình giao thông ở địa phương. Nhưng vì một lý do khách quan, công trình này không thực hiện. Thấy vậy, có người bảo tôi sử dụng số tiền đó làm công trình khác nhưng tôi nhất quyết không chịu và đưa tiền đi trả lại. Bởi với tôi chữ tín rất quan trọng, mình không thể xin tiền làm công trình này mà giờ lại làm công trình khác. Đi vận động là phải biết giữ uy tín, có vậy lần sau vận động mới tiếp tục nhận được sự giúp đỡ”- ông Chuộng kể.

Mỗi lần vận động được tiền giúp người nghèo, hoặc làm cầu cho vùng khó khăn, ông vui sướng lắm. “Được làm việc giúp người, lại thường xuyên vận động nên tui thấy mình khỏe lên, ăn được, ngủ ngon” - ông Chuộng cười khà khà nói.

Đến nhà ông, có lẽ ấn tượng nhất trong căn nhà chính là bức tường nhà treo toàn Bằng khen, kỷ niệm chương, giấy khen được đóng khung cẩn thận. Đó là những sự ghi nhận của Trung ương, địa phương, các ngành về việc ông học tập làm theo Bác như đi vận động giúp đỡ người nghèo, trẻ em nghèo, xây cầu cho dân đi lại. 

Theo ông Chuộng, ông treo tờ giấy này lên ở tường nhà không phải phô trương, cho oai mà mục đích là để mỗi lần nhìn vào đó nhủ phải tự nhủ cố gắng làm nhiều việc tốt hơn nữa giúp bà con mình. Đó cũng là cách ông giáo dục hai đứa con trai làm việc tốt. Ông quả quyết, còn sức khỏe sẽ phấn đấu đi xin giúp người nghèo, vùng khó khăn để củng cố thêm bộ sưu tập giấy khen của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chuộng luôn tự nhận mình là người đi xin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn