MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại thị xã Ayun Pa mệt mỏi, ngủ gục trên bàn sau nhiều giờ làm việc. Ảnh BCĐ

Gia Lai: Dịch chồng dịch, những y, bác sĩ không có mùa xuân

THANH TUẤN LDO | 09/02/2021 13:00

Năm qua đầy khó khăn đối với ngành Y tế tỉnh Gia Lai khi vừa đối chọi với dịch bệnh bạch hầu và dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Căng mình với 2 loại dịch bệnh này, nhiều y bác sĩ tuyến đầu ở tỉnh Gia Lai những ngày này không có mùa xuân, bởi họ đang xung phong thực hiện nhiệm vụ ở điểm nóng dịch bệnh.

Sẽ đón xuân khi hết dịch bệnh

Nằm trong danh sách 52 thành viên xung phong vào tậm dịch thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, bác sĩ Phạm Thị Kim Chung – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, ngay khi xuất hiện dịch bệnh, Chung đã làm đơn gửi lên Giám đốc bệnh viện xin được đi chống dịch. “Ayun Pa là quê hương của mình, hơn ai hết mình hiểu rõ đời sống, tâm tư, văn hóa của người dân nơi đây. Nên việc vận động, tuyên truyền người dân đi lấy mẫu, khai báo y tế sẽ dễ dàng hơn”, Chung chia sẻ.

Bác sĩ Kim Chung đọc tài liệu trước giờ vào vùng dịch bệnh thị xã Ayun Pa. Ảnh TTuấn

Vào vùng dịch biết là chấp nhận dấn thân vào nguy hiểm, xác định là không có Tết. Gia đình, bạn bè bác sĩ Chung cũng động viên tinh thần, cũng có chút buồn lo nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Đêm về, bác sĩ trẻ và các đồng nghiệp từ Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai… trao đổi về kế hoạch, lên nhiệm vụ truy vết F1 thần tốc.

Anh Nay Queo – Điều dưỡng viên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai được vợ chở tới bằng xe máy trước khi lên đường vào tâm dịch. Queo cho hay, vào tâm dịch mình chỉ vội vàng khăn gói mấy bộ áo quần, chăn màn và vật dụng sinh hoạt cần thiết. Vợ và con nhỏ hy vọng, công cuộc chống dịch sẽ thành công trước dịp Tết nguyên đán như nhiều người bày tỏ, nhưng việc đó thật khó khăn và chưa biết dịch sẽ kéo dài bao lâu.

“Mình bảo với vợ, nếu có dịch ở Ayun Pa thì ở TP.Pleiku và các nơi khác sẽ không yên bình. Mình đi chống dịch vừa là trách nhiệm của người ở nghành Y tế vừa là chống dịch để đảm bảo yên bình cuộc sống cho gia đình nhỏ, có vợ con của mình”, anh Nay Queo chia sẻ.

Các huyện có dịch có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, nên nhận thức về phòng chống dịch bệnh của một số bà con còn hạn chế. Là người bản địa, Nay Queo sẽ có cách nói chuyện mềm dẻo, để thuyết phục vận động bà con chống dịch COVID-19.

Dịch chồng dịch đầy khó khăn

Mặc dù bị đánh giá là còn lúng túng khi dịch bệnh COVID-19 bất ngờ ập đến nhưng sau đó thì ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã tập làm quen và hiện đã cơ bản kiểm soát tình hình. Ai cũng hy vọng, Gia Lai sẽ khống chế được dịch COVID-19 như dịch bạch hầu đã lây lan trước đó vào năm 2020.

Các y bác sĩ trẻ ở điểm nóng dịch bệnh Ayun Pa, huyện Ia Pa, Krông Pa... lạc quan trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ảnh BCĐ

Dịch bạch hầu lan rộng nhiều tỉnh Tây Nguyên, nhiều ca tử vong ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông chủ yếu do độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Lúc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch bạch hầu diễn ra trên quy mô lớn và có chiều hướng lan rộng, phức tạp. Để khống chế dịch, ngành Y tế các tỉnh phải tổ chức tiêm chủng vaccine trên diện rộng cho tất cả người dân, từ trẻ em 2 tháng tuổi trở lên. Chiến dịch tiêm chủng này được phát động dự kiến sẽ tiêm cho 4,7 triệu người ở các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh liền kề là Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Cái khó của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung là việc vận động tiêm chủng không hề dễ dàng. Cán bộ y tế phải lội bộ hàng chục cây số đến từng thôn bản, buôn làng để vận động người dân tiêm vaccine. Có cán bộ phải cho quà người dân hoặc nhờ các già làng, trưởng bản uy tín để thuyết phục bà con đến tiêm vaccine.

Ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, đến gần cuối năm, dịch bạch hầu mới được khống chế, sau đó thì bất ngờ COVID-19 ập đến. Trong khi Gia Lai là tỉnh thiếu nghiêm trọng nhân sự nghành y. Các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thiếu bác sĩ có nhân lực, trình độ tay nghề cao. Sở Y tế phải kiến nghị lên UBND tỉnh tăng biên chế, ký hợp đồng trước với bác sĩ sau đó đưa họ vào biên chế để yên tâm với công việc.

“Với dịch chồng dịch như thế này, nhân viên y tế chỉ mong mỏi giấc ngủ ngon sau thời gian làm việc căng thẳng. Khi hết dịch bệnh cũng là lúc thấy mùa xuân rồi”, ông Hải tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, toàn bộ hệ thống chính trị ở tỉnh đã vào cuộc chống dịch. Việc xung phong vào tâm dịch của các bạn trẻ là việc làm đáng tự hào. Sau dịch, họ phải tự cách ly 21 ngày và xem như không còn Tết.

“Chúng tôi tự hào về các bạn, về tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, đã không ngại dấn thân vào khó khăn, gian khổ. Chúng tôi sẽ đón các bạn trở về trong niềm vui chiến thắng dịch bệnh”, bà Lịch nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn