MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chó thả rông, không tiêm phòng vaccine sẽ gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Thanh Tuấn

Gia Lai: Hàng chục ca tử vong do bệnh dại, người dân vẫn chủ quan

THANH TUẤN LDO | 29/03/2023 14:14

Ngày 29.3, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, thống kê giai đoạn 2015-2022, toàn tỉnh ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại. Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, hạn chế tiêm vaccine cho vật nuôi.  

Từ đầu năm 2023 đến nay, Gia Lai ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có nhiều ca tử vong do chó, mèo cắn người gây nên bệnh dại. 

Tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện chưa đến 10%, người dân có tâm lý chủ quan, không đưa vật nuôi đến các điểm tiêm vaccine, gây gia tăng bệnh dại, nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.  

Trong số các địa phương, huyện Chư Sê ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao nhất. Khi bị chó, mèo gây thương tích, người dân không đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, thăm khám, tiêm phòng mà vẫn ở nhà sinh hoạt bình thường.  

Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã đến Gia Lai để phối hợp, hướng dẫn cách xử lý, khoanh vùng các ổ dịch bệnh. Trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, thông tin cho người dân biết mức độ nguy hiểm của bệnh dại để chủ động phòng tránh.  

Bởi chó, mèo là vật nuôi thân thiết trong gia đình nên nhiều nạn nhân có tâm lý chủ quan. Có nạn nhân ở xã Chư Pơng, huyện Chư Sê bị chó nhà nuôi cắn, 3 tháng sau, nạn nhân phát bệnh tử vong. Con trai của nạn nhân cũng bị chó cắn, tuy nhiên vẫn không đi tiêm phòng dại.  

Có nạn nhân khi bắt chó, mèo dù không bị thương tích nhưng bị vật nuôi cào xước gây vết thương nhỏ, rỉ máu, cũng tiềm ẩn nguy cơ phát bệnh dại.  

Thời gian tới, ngành y tế Gia Lai sẽ quan tâm hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn