MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ tiêm phòng vắc-xin bệnh bạch hầu cho trẻ em. Ảnh Thanh Tuấn

Gia Lai - Kon Tum: Thiếu nhân sự ngành y tế để chống dịch bạch hầu

THANH TUẤN LDO | 28/06/2020 14:48

Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự ngành y tế để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Và đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu đang có nguy cơ lan rộng nếu không được khoanh vùng, xử lý tốt. 

Theo ghi nhận, tại tỉnh Kon Tum, đã xuất hiện 5 ổ dịch bạch hầu, gồm: TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Sa Thầy và huyện Đắk Tô. Các ổ dịch trên xuất hiện từ cuối tháng 1.2020 đến giữa tháng 6 năm nay. Theo thống kê, có tổng cộng 6 trường hợp mắc bệnh, những bệnh nhân đều có triệu chứng ban đầu là: sốt, viêm họng, viêm amydan, họng nhiều giả mạc.

Các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu hụt nhân sự nghành Y tế để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thanh Tuấn

 Bà Đoàn Thị Tuần, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Các ca bệnh đều được cách ly và điều trị tích cực. Hiện, hầu hết các ca bệnh đều bình phục và đã xuất viện. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện điều tra tiền sử tiêm chủng của bệnh nhân, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để điều trị dự phòng”.

Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là một trong những tỉnh ở Tây Nguyên thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự ngành y tế để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Các tỉnh như Kon Tum, Đăk Nông, dịch bệnh bạch hầu đã xuất hiện, Gia Lai ở thế nằm giữa, dễ có nguy cơ bùng phát thành điểm nóng.  

Trước đây, tại huyện Kbang, Chư Sê đã có một vài trường hợp mắc bệnh. Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã phải chi hơn 1 tỷ đồng tiền vắc-xin để hỗ trợ Gia Lai tiêm chủng, phòng ngừa và dập dịch.

Nhận thấy dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và các đối tượng có nguy cơ, nhằm phát hiện kịp thời.

Nếu nghi ngờ khu vực nào bùng phát dịch, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố sẽ tiến hành khoanh vùng dập dịch, triển khai công tác vệ sinh môi trường theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, trẻ em dưới 48 tháng tuổi trên toàn tỉnh sẽ được tiêm vét, tiêm bổ sung vắc- xin 5 trong 1 hoặc vắc-xin DPT.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương đang thiếu trầm trọng nhân sự ngành y tế, nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh thiếu đội ngũ bác sĩ. Do đó ngành kiến nghị lên UBND tỉnh chủ trương cho tăng thêm biên chế. Đồng ý với các bệnh viện cho ký kết hợp đồng trước với các y bác sĩ, sau đó đưa vào biên chế để họ ổn định cuộc sống, tâm huyết với công việc” - ông Mai Xuân Hải thông tin. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn