MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gia Lai: Nhiều trường đại học, cao đẳng không tuyển đủ sinh viên

THANH TUẤN LDO | 19/07/2020 11:52

Nhiều trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh Gia Lai lo lắng việc không tuyển được sinh viên. Có trường học, nhiều năm qua ở một số ngành đã không mở được lớp, nhiều giáo viên buộc phải chuyển qua làm công tác hành chính, văn thư.

Trường Đại học Nông lâm TPHCM phân hiệu Gia Lai là một trong số những trường lớn ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài cơ sở chính tại TPHCM thì việc mở phân hiệu tại Gia Lai nhằm thu hút các em học sinh các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng... Khuôn viên trường rộng hàng trăm héc-ta, trong khi nhiều lớp học đang bị trống.  

Tiến sĩ Trần Cao Bảo - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TPHCM phân hiệu Gia Lai - cho biết, hiện nay nhà trường đang lo lắng cho một số ngành như ngành Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp... Bởi từ năm 2016 đến nay, 2 ngành này chưa mở được lớp do thiếu sinh viên, đây là điều trăn trở của Ban giám hiệu nhà trường và nhiều thầy cô giáo.

Xác định Gia Lai là một trong những tỉnh sôi động của Tây Nguyên nên trường Đại học Nông Lâm TPHCM mở phân hiệu tại đây. Là vựa nông sản lớn với hàng ngàn héc-ta cà phê, điều, cao su, hồ tiêu nhưng tỉnh Gia Lai chưa phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất nông sản.

Tỉnh còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến. Vì thế, nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, buộc các em phải đi tỉnh khác để xin việc hoặc làm việc trái ngành. Đây cũng là tâm lý chính để các em không chọn ngành chế biến thực phẩm.

“Ngành Lâm nghiệp được mở tại tỉnh với diện tích chính là rừng núi, cây trồng là đúng. Tuy nhiên, các em học sinh còn hiểu mơ hồ về ngành, cứ nghĩ học Lâm nghiệp là vào rừng, sinh sống trong rừng khổ cực. Vì vậy, không có em nào chọn. Thực tế thì không phải vậy, nhu cầu của xã hội và của các tỉnh Tây Nguyên về ngành nghề này tương đối cao. Lâm nghiệp là trồng trọt, nhân giống, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, vườn ươm… chứ không nhất thiết phải đi vào rừng.

Qua tìm hiểu, phân tích, do các em chưa được tư vấn tuyển sinh tốt, chưa có định hướng về nghề và hiểu rõ nhu cầu của thị trường”, ông Trần Cao Bảo nói.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng, chi phối và kết hợp với nhiều ngành nghề quan trọng khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định phải trên 30 sinh viên trở lên mới đủ điều kiện mở lớp. Trường Đại học nông Lâm TPHCM phân hiệu Gia Lai vẫn mở lớp với 18 sinh viên.

Đối với các thầy cô làm công tác chuyên môn, khi chưa có lớp sẽ được điều động qua làm công tác văn thư, hành chính. Thời gian còn lại, các thầy cô sẽ làm công tác nghiên cứu, để đăng bài trên các tạp chí chuyên ngành.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn