MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưới tán rừng gỗ hương Kbang có rất nhiều loài dược liệu quý, cần được bảo vệ. Ảnh: THANH TUẤN

Gia Lai: Tăng cường bảo tồn loài cây có nguy cơ tuyệt chủng

THANH TUẤN LDO | 04/12/2020 10:51

Rừng ở huyện Kbang, Gia Lai được xem là nơi có hệ sinh thái đa dạng và nhiều loài thực vật quý hiếm ở Tây Nguyên cần được bảo vệ. Sau vụ phá rừng gỗ hương quý gây xôn xao dư luận, ngành chức năng tỉnh này đang tìm giải pháp siết chặt công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Nhiều dược liệu quý dưới tán rừng gỗ hương

Huyện Kbang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 128.467ha với diện tích rừng tự nhiên là 122.037ha, chiếm 22,47% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Gia Lai. Rừng tự nhiên của Kbang đa dạng về sinh học, giàu trữ lượng gỗ, có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ, phải ưu tiên bảo vệ.

Các loài dược liệu quý như: Hà thủ ô đỏ, Sa nhân, Đương quy, Nghệ vàng, Đẳng sâm, Mật nhân, Lan kim tuyến, nấm linh chi, lim xanh… phân bố nhiều địa điểm trên vùng rừng Kbang. Các loài dược liệu này được sử dụng rộng rãi, có giá trị về mặt kinh tế cũng như giá trị nâng cao sức khỏe của người dân.

Ông Trương Thanh Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang - cho biết, nhiều năm trước đây, thế mạnh trong công tác lâm nghiệp của huyện là khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ tiêu kế hoạch với hàng chục ngàn khối hàng năm thì đến nay, công tác lâm nghiệp đã được xác định phát triển theo hướng bền vững, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Địa phương cố gắng giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bảo vệ rừng.

Hiện nay, rừng tự nhiên ở Kbang tập trung vào 11 chủ rừng chính gồm: Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Ban quản lý rừng phòng hộ Xã Nam, Công ty TNHH MTV LN Ka Nak, Sơ Pai, Hà Nừng, Krông Pa...

“Việc để các chủ rừng thu lượm lâm sản phụ vừa nâng cao đời sống vật chất vừa khuyến khích công tác giữ rừng của người dân”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: “Trên lâm phần của đơn vị có 410 cây gỗ hương quý hiếm, thuộc gỗ nhóm I. Vì giá trị gỗ hương nên lâm tặc tìm mọi cách để đốn hạ cây, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Chúng tôi mong UBND tỉnh tăng cường thêm nhân lực, vật lực để làm tốt công tác bảo vệ cánh rừng có giá trị này ở Kbang”.

Trước đó, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Đánh giá tài nguyên, đặc điểm phân bố, đề xuất giải pháp bảo tồn phát triển bền vững cây dược liệu bản địa ở tỉnh Gia Lai”.

Qua điều tra và thống kê được 573 loài cây dược liệu, trong đó có 21 loài là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chỉnh được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế, trong đó nhiều loài tập trung ở rừng Kbang.

Đưa vào Nghị quyết giữ rừng

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Gia Lai lần thứ XV nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai phát triển khoảng 2.500ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu lên 5.000ha trở lên. Quan điểm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư, bảo tồn và phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, lâu dài với quy mô diện tích phù hợp.

Đồng thời gắn bảo tồn, phát triển dược liệu với quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu và đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai - cho biết, ngành chức năng sẽ tăng cường bảo tồn cây có nguy cơ tuyệt chủng và đang bị đe dọa, đặc biệt là những loài ưu thế về sinh thái của khu vực, cung cấp nguồn giống dược liệu có chất lượng. Trước mắt, tỉnh sớm hình thành một trung tâm giống dược liệu tại huyện Kbang.

“Ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu, xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị liên vùng và ở địa phương. Vấn đề quan trọng trước nhất là làm tốt công tác giữ rừng”, ông Nghĩa nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn