MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên bò gây thiệt hại cho người nông dân Gia Lai - Kon Tum. Ảnh: THANH TUẤN

Gia Lai và Kon Tum: Sẽ xử lý hình sự nếu mua bán trâu, bò mang dịch bệnh

THANH TUẤN LDO | 11/06/2021 12:23

Dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã khiến nhiều trâu, bò của người nông dân bị chết, gây thiệt hại về kinh tế. Cơ quan chức năng tiến hành tiêm vaccine và khuyến cáo người dân không được mua bán thịt trâu, bò mang mầm bệnh ra ngoài thị trường, gây nguy hại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Kiểm soát các tuyến giao thông

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, từ ngày 25.5 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã xuất hiện tại 3 xã gồm: Đak Djrăng, huyện Mang Yang, xã Ia Pết và Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa với 125 con mắc bệnh, tại 83 hộ chăn nuôi.

Đàn bò có các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, trên thân xuất hiện u cục. Chỉ khi bệnh diễn tiến nặng, người dân mới báo lực lượng thú y xã.

Ông Bluih, người dân làng Brếp, xã Đak Djrăng cho biết: “Nhà mình có 3 con bò bị bệnh thì chết 2 con. Vụ mùa sắp tới, gia đình không biết tìm đâu ra bò để làm sức kéo. Mình cùng cán bộ thú ý đi phun thuốc khử khuẩn chuồng trại rồi mang bò chết đi chôn lấp cẩn thận, tránh dịch lây ra cả làng”.

Tại xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, khi có dịch chính quyền xã chốt chặn các điểm giao thông quan trọng, phun khử khuẩn phương tiện qua lại địa bàn. Đồng thời tuyên truyền người dân không hoang mang, lo lắng, đưa trâu bò ra xa khỏi khu vực hộ dân có gia súc bị bệnh viêm da nổi cục.

Ông Huân, trú làng Bia Bre, xã Ia Pết cho biết: “Đàn bò có 5 con thì một con bị bệnh viêm da nổi cục. Nhờ phát hiện bệnh sớm, ông đã báo cáo với cán bộ thú y xã và được hướng dẫn nuôi nhốt riêng, tiêm thuốc kháng sinh nên bò đã ăn uống bình thường.

Đồng thời, gia đình ông phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng nuôi nên bệnh không lây lan”.

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Tiến hành khoanh vùng dập dịch và công bố dịch tại các địa phương để người dân được biết, ngăn chặn thương lái vào vùng dịch mua bán trâu, bò nhiễm bệnh.

Đồng thời, các hộ ký cam kết không giết mổ bò và buôn bán, vận chuyển các sản phẩm ra vào làng.

Các trạm kiểm dịch động vật phân công cán bộ trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý Thị trường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển trâu, bò; không cho trâu, bò từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập vào địa bàn tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - cho biết, toàn tỉnh có hơn 430.000 con trâu, bò. Đơn vị đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí 1,7 tỉ đồng để mua vaccine tiêm phòng, xét nghiệm và các chi phí khác để chống dịch. Đồng thời, xuất 3.000 lít hóa chất Benkocid hỗ trợ 3 huyện Mang Yang, Đak Đoa và Chư Sê để tiêu độc, khử trùng ngăn chặn dịch bệnh…

Sẽ xử lý hình sự nếu mua bán trâu, bò mang dịch bệnh

Tại tỉnh Kon Tum, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại thôn Điék Tem, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gia súc nghi mắc bệnh gửi Chi cục Thú y vùng V làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính với bệnh này. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã khẩn trương tổ chức phun khử khuẩn để dập ổ dịch, hạn chế lây lan và làm phát sinh các ổ dịch mới.

Anh A Long - người dân xã Ngọc Tem cho biết: “Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện từ 4 con bò của một hộ dân. Các cục u nổi dày đặc trên cơ thể đàn bò, làm chúng kiệt sức dần. Người dân đưa đàn bò đi ăn, lùa xa khu vực của hộ đang có dịch. Ở huyện Kon Plông trâu bò chủ yếu dùng sức kéo trong mùa làm ruộng, thấy gia súc chết do dịch bệnh ai cũng buồn lo”.

Ngoài ra, dịch bệnh tụ huyết trùng cũng lây lan, gây khó khăn cho người dân. Theo Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum, bệnh tụ huyết trùng bước đầu ghi nhận tại các huyện như: La H’Drai, Kon Plông, Đăk Glei.

Tại huyện Đăk Glei, chỉ trong tháng 5, tại ba thôn của xã Đăk Plô gồm: Đăk Book, Pêng Lang và Bung Tôn có 69 con trâu, bò bị chết. Xã Đăk Nhoong hơn 100 con trâu, bò bị chết, ban đầu xác định do bệnh tụ huyết trùng.

Ông A Mon - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô - cho biết, chính quyền địa phương vận động người dân đưa đi tiêu hủy, chôn lấp, tuyệt đối không mua bán ra ngoài thị trường làm lây lan dịch bệnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum yêu cầu quản lý chặt chẽ ổ dịch, như đặt biển cảnh báo dịch, rải vôi bột khử trùng tại các điểm đầu giao thông dẫn vào ổ dịch. Thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc trên diện rộng tại các hộ chăn nuôi của thôn có dịch, nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan.

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ để tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu, bò trên diện rộng.

Việc các thương lái nếu tìm cách mua bán trâu, bò chết do dịch bệnh để tuồn ra ngoài thị trường sẽ bị xử lý mạnh tay, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn