MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn: Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp Tổng hợp

Giá lợn hơi chạm đáy, giá bán lẻ vẫn “trên trời”

Phong Nguyễn LDO | 08/10/2021 11:25

Điều nghịch lý đang diễn ra: Trong khi nông dân rớt nước mắt vì thua lỗ, cứ mỗi con lợn bán ra, người nuôi lỗ 1,5-1,7 triệu đồng, thì người tiêu dùng lại phải mua thịt lợn với giá khá đắt. Giá lợn hơi có nguy cơ xuống mức đáy  25.000 đồng/kg thì thịt lợn bán tại siêu thị có giá 120.000-170.000 đồng/kg Càng nghịch lý hơn khi nguồn cung trong nước đang dư thừa thì vẫn có hàng nghìn con lợn được nhập khẩu mỗi ngày.

Giá lợn giảm thấp nhất trong vòng 5 năm

Trao đổi với phóng viên Lao Động chiều 7.10, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung cho biết, giá lợn hơi sẽ còn rất nhiều biến động và có thể tiếp tục giảm sâu.

“Giá lợn hơi sẽ còn giảm tiếp, ít nhất giảm thêm 10 giá nữa, bán ra ở mức 25.000 đồng/kg” - ông Thành khẳng định.

Cũng chung ý kiến, nhiều thương nhân cũng đưa ra nhận định giá lợn hơi sẽ tiếp tục “rơi tự do” trong tháng 10 này và mức giá 25.000 đồng/kg đang được dự báo có thể chưa phải là mức đáy. Hiện tại, giá lợn hơi ngày 7.10.2021 đã gần như tương đương với giá của cách đây 5 năm (2017), nếu tiếp tục giảm, giá lợn hơi sẽ “thủng” đáy 5 năm, trong khi giá cám tại 2 thời điểm đã chênh lệch hàng triệu đồng.

“Từ khi nuôi đến khi xuất thịt mỗi con heo ăn tổng cộng khoảng 10 bao cám. Trong khi giá nguyên liệu tăng 7-8 đợt, mỗi đợt tăng từ 300-400 đồng/kg, như vậy, tổng mỗi con lợn chịu giá cám tăng từ 700.000-800.000 đồng. Hiện nay giá lợn giảm quá thấp, tính trung bình mỗi con lợn bán ra, người nuôi lỗ từ 1.500-1.700 đồng” - ông Nguyễn Huấn - Trưởng trạm chăn nuôi heo Bình An tại Bình Thuận - chia sẻ với phóng viên Lao Động.

Nguồn tin từ các thương nhân cho biết, so với 1 ngày trước đó, giá lợn hơi ngày 7.10 tiếp tục giảm thêm từ 1.000-3.000 đồng/kg, giá lợn hơi bình quân trên cả nước chỉ còn 43.000 đồng/kg. Miền Bắc là khu vực có giá lợn hơi giảm mạnh nhất, có những địa phương giá bán ra chỉ còn từ 35.000-38.000 đồng/kg như Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái.

Hiện tại, chỉ duy nhất Thừa Thiên-Huế là địa phương có mức giá lợn hơi cao nhất (48.000 đồng/kg), địa phương có giá cao thứ hai là Quảng Bình (47.000 đồng/kg), còn lại các tỉnh khác ở khu vực miền Trung và Nam Bộ giá lợn hơi bán ra ở mức phổ biến 42.000-44.000 đồng/kg.

“Giá heo (lợn-PV) hiện tại từ 35.000-42.000 đồng/kg. Heo lựa từng con được bán với 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ thê thảm” - ông Nguyễn Huấn buồn rầu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg.

"Hôm nay có nơi báo với tôi, lợn hơi đã giảm xuống mức 33.000-35.000 đồng/kg, thương lái vẫn không muốn bắt" - ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ.

Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch” - ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Siêu thị bán thịt lợn với giá “trên trời”

Điều nghịch lý là, trong khi nông dân đang rớt nước mắt vì thua lỗ, cứ mỗi con lợn bán ra, người nuôi lỗ 1,5-1,7 triệu đồng, thì các siêu thị đang "rung đùi" hưởng lợi. 

Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, thực tế giá thịt lợn bán tại các siêu thị vẫn đắt ở mức vô lý. Ngày 7.10, giá lợn hơi tại siêu thị Big C vẫn bán ra ở mức: 138.000 đồng/kg (nạc xay), 139.000 đồng/kg (nạc thăn), 170.000 đồng/kg (ba chỉ loại 1)…

“Mức giá này là vô lý. Giá heo hơi 40.000-45.000 đồng/kg, tỉ lệ thịt 50%, khi bán ra ở mức 70.000-75.000 đồng/kg là người bán đã có lãi. Nhưng siêu thị bán với giá cao gấp 2 lần là quá cao, trong khi dịch bệnh người dân đang rất khó khăn” - ông Nguyễn Huấn nói.

Ông Hà Anh Khoa (Trực Ninh, Nam Định) cũng bày tỏ ý kiến bất bình trước nghịch lý này. Trong tháng 9, gia trại của ông xuất bán 110 con lợn thương phẩm “lỗ chóng vánh” 88 triệu đồng. Trong khi đó, siêu thị chỉ cần nhập lợn xẻ về và bán với giá gấp đôi, vừa “ăn” giá của nông dân, vừa bán cho người tiêu dùng với “giá cắt cổ” lãi cả đôi đường.

Ông Phùng Thượng Hiếu - một khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart (Vĩnh Long) cũng cho biết, thịt lợn C.P được bán tại siêu thị này có giá 120.000-170.000 đồng/kg, trong khi giá thịt mảnh được C.P cấp bán cho các đầu mối chỉ khoảng 66.000-70.000 đồng/kg (giá này C.P đã tính lãi).

Đàn lợn trong nước dư thừa, vẫn ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 8.2021, khi giá lợn hơi trong nước bắt đầu “lao dốc”, Việt Nam vẫn nhập khẩu 60,41 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 504,9 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 986,86 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Hoa Kỳ, Brazil, Ba Lan và Ấn Độ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Là thương nhân trong ngành thịt lợn 30 năm, ông Nguyễn Huấn cho biết, lượng thịt lợn đông lạnh được nhập khẩu trong gần 9 tháng năm 2021 đã lên đến trên 230.690 tấn (tính đến 27.9.2021), tính ra bình quân mỗi tháng nhập khẩu trên 25,6 tấn, tương đương 10.500 con lợn ngày, trong khi nguồn cung trong nước không thiếu, thì người chăn nuôi trong nước “lãnh đủ”.

Về việc các DN ồ ạt nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, năm số lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam là để "điều hòa" với nhu cầu thịt lợn của năm 2020, khi giá lợn hơi liên tiếp phi mã ảnh hưởng đến tiêu dùng. "Toàn bộ sản phẩm chăn nuôi không có hạn ngạch, mà do doanh nghiệp tự chủ nhập về theo nhu cầu thị trường. Không phải thừa là xuất và thiếu là nhập. Thịt lợn nhập khẩu là để phục vụ nhu cầu chế biến trong nước" - ông Trọng nói.

Theo Bộ NNPTNT, tổng đàn lợn cả nước đến tháng 9.2021 khoảng 28 triệu con, tăng 5%, những tỉnh có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa; sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển hiện tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con. Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn