MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài khoản Facebook tên Phương Nam hướng dẫn chị T.L tham gia cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi "Thế giới muôn màu" giả mạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giả mạo cuộc thi vẽ tranh để kéo phụ huynh làm nhiệm vụ nhận lãi suất lớn

Thu Giang LDO | 05/07/2024 17:15

Với chiêu trò giả mạo cuộc thi vẽ tranh uy tín, ăn cắp hình ảnh của các MC truyền hình, nhiều đối tượng gần đây đã tìm cách tiếp cận, lôi kéo phụ huynh chuyển tiền làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng với lãi suất lớn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhiều phụ huynh sập bẫy

Trao đổi với PV Lao Động ngày 5.7, chị T.L (sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ, gần đây chị có tìm hiểu và đăng ký cho con tham gia cuộc thi vẽ tranh nhưng không may lại đăng ký nhầm vào fanpage mạo danh.

Theo chị T.L, người tư vấn này đã tự nhận là MC của cuộc thi, sau đó cho tất cả phụ huynh vào một nhóm chung. Chị T.L bất ngờ sau khi bày tỏ nguyện vọng, mong muốn cho con tham gia cuộc thi vẽ tranh thì bị các đối tượng này chào mời, rủ rê làm nhiệm vụ kiếm thêm thu nhập.

"Các đối tượng này đã gửi link sản phẩm là màu vẽ tranh trên sàn thương mại điện tử nên tôi cũng mất cảnh giác. Theo đó, phụ huynh chỉ cần ấn vào nhưng không cần chọn mua nhằm tăng tương tác số lượt xem trên gian hàng. Sau khi chuyển 300.000 đồng thực hiện nhiệm vụ, đơn vị này đã chi trả cho tôi số tiền đã đóng và tiền lãi" - chị T.L phân tích.

Tuy nhiên, theo chị T.L, đến lần thứ 3 chị mua 3 sản phẩm, đơn vị tổ chức cuộc thi nói đủ 16 triệu đồng sẽ tất toán nhưng khi chuyển đủ thì đơn vị này nói mình sai cú pháp, phải chuyển tiếp 48 triệu đồng để lấy lại số tiền bị treo. Tổng cộng sau 3 lần chuyển tiền, chị T.L mất gần 70 triệu đồng.

Chị T.L đã chuyển khoản tổng cộng gần 70 triệu đồng làm nhiệm vụ nhận lãi suất lớn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tìm hiểu của PV Lao Động, không chỉ riêng trường hợp của chị T.L, nhiều phụ huynh khác khi đăng ký cho con tham gia cuộc thi vẽ tranh này cũng chưa nhận lại được số tiền làm nhiệm vụ. Thậm chí, có phụ huynh còn tin tưởng đã gửi 81 triệu đồng, hy vọng sẽ nhận về số tiền 162 triệu đồng cả tiền gốc và tiền hoa hồng lãi suất lớn.

Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi

Tại hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 4.7, Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) - cho hay, hiện nay lừa đảo qua mạng được xem là một nghề mang lại lợi nhuận cao, được các đối tượng cấu kết, tổ chức với quy mô lớn.

Theo Trung tá Triệu Mạnh Hùng, tội phạm lừa đảo qua mạng không phải vấn đề riêng của Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, nhiều đối tượng đã đóng vai cán bộ công an, cán bộ thuế, người thân... để tìm cách chiếm đoạt tiền của người bị hại.

Trung tá Triệu Mạnh Hùng cũng chỉ ra 4 phương thức lừa đảo phổ biến được các đối tượng này sử dụng như hình thức mạo danh cơ quan, tổ chức có uy tín như tòa án, cơ quan công an, thuê, người thân (chiếm 50% thủ đoạn lừa đảo), mời gọi đầu tư vào các mô hình việc nhẹ lương cao, sàn vàng, sàn chứng khoán để đánh vào lòng tham của con người.

Ngoài ra, còn có các thủ đoạn liên quan đến quan hệ cá nhân, lợi dụng tình cảm làm quen, tặng quà sau đó bắt chuyển tiền để đóng phí hải quan. Một số đối tượng lừa cài ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền sử dụng tài khoản.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - đồng sáng lập Cypeace và Chongluadao.vn - đã chỉ ra những mối nguy hiểm tiềm tàng trên mạng internet, đồng thời hướng dẫn cách phân biệt, nhận biết và phòng chống những mối nguy hiểm này.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu phân tích, trong các loại hình lừa đảo qua mạng đang diễn ra trên mạng xã hội, có tới 24 loại hình thường gặp, chia làm 3 nhóm chính như giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, các hình thức lừa đảo kết hợp. Đáng chú ý, đối tượng nhắm tới của các loại hình này là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn