MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình công nhân chấp nhận ở trong những phòng trọ chật chội, xuống cấp. Ảnh: Bảo Hân

Giá nhà ở xã hội vẫn cao so với thu nhập của công nhân

B.Hân - M.Phương LDO | 01/04/2023 07:03

Có một căn nhà ở xã hội sau nhiều năm thuê trọ là mơ ước của nhiều gia đình công nhân. Nhưng số tiền để dành mua nhà ở xã hội là quá lớn so với thu nhập, nếu muốn mua phải vay mượn, trả nợ nên nhiều gia đình công nhân đành gác lại mong muốn này.

Công nhân gác lại giấc mơ nhà ở xã hội  

Quan tâm, tìm hiểu về nhà ở xã hội đã lâu, nhưng tính đi tính lại, anh Nguyễn Duy Phong (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) đành từ bỏ ý định mua nhà ở xã hội. Nam công nhân này cho biết, nếu nhà ở xã hội có mức giá 15 triệu đồng/m2, thì một căn nhà diện tích 60 m2 đã là 900 triệu đồng.

“Sau khi tính toán, tôi thấy không thể lo được số tiền như này để mua nhà ở xã hội, mặc dù rất muốn” - anh Phong chia sẻ.  

Vợ chồng anh Phong làm công nhân đã được 20 năm. Hiện nay, tổng thu nhập của cả 2 được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ để gia đình anh trang trải cuộc sống trong tháng. 

Hiện gia đình anh thuê trọ tại nhà CT1A (khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Mỗi tháng, anh phải trả tiền thuê nhà, điện nước là 2,2 triệu đồng. 

“Tiền cho 2 con ăn học khoảng 3 triệu đồng/tháng; chi phí ăn uống cho cả gia đình mỗi ngày 200.000 đồng, vị chi một tháng là 6-7 triệu đồng; tiền xăng xe, điện thoại: 1-1,5 triệu đồng/tháng” - anh Phong liệt kê.  

Theo anh Phong, nếu chi tiêu tiết kiệm, sau 20 năm làm công nhân, vợ chồng anh có được hơn 300 triệu đồng để dành.

Cần điều kiện cho vay riêng với gia đình công nhân nhập cư

Gần 40 tuổi, anh Phạm Xuân Long (quê Phú Thọ) vẫn chật vật với giấc mơ an cư lạc nghiệp. Anh Long là cán bộ ở một cơ quan nhà nước, tiền lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chỉ làm giờ hành chính nên mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Tổng thu nhập của 2 vợ chồng hơn 20 triệu đồng mỗi tháng, song nuôi 3 con ăn học, kinh tế của gia đình hầu như không có dư. Học xong đại học, anh Long quyết ở lại Hà Nội xây dựng sự nghiệp, gia đình, 17 năm qua, anh vẫn sống trọ, chưa có hộ khẩu chính thức.

Anh Long cho biết, giá căn hộ chung cư ngày một tăng, giá thấp nhất cũng từ 2 tỉ đồng trở lên. Với những dự án nhà ở xã hội cũng từ 800 triệu đồng - hơn 1 tỉ đồng, trong khi rất ít dự án có thể mua.

Mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; nếu xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay để mua nhà ở xã hội tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Nếu mua nhà ở xã hội, vợ chồng anh Long xác định vay mượn từ "ba bề bốn bên". Số tiền phải mượn có khi lên đến cả tỉ đồng.

Anh Long hi vọng sắp tới có điều kiện cho vay riêng với gia đình công nhân nhập cư, đông con được nâng mức vay tối đa lên 85-87% giá trị hợp đồng mua nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn