MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gia tăng tỉ lệ người ngộ độc với tác nhân ngày càng phong phú

NGUYỄN LY LDO | 25/02/2023 13:14
TPHCM - Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), số bệnh nhân ngộ độc mỗi năm tăng theo thời gian với tác nhân ngộ độc ngày càng phong phú.

Tại Hội nghị Quốc tế về Bệnh lý Nhiễm độc sáng 25.2, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, các loại ngộ độc cấp thường gặp nhất tại Việt Nam gồm rắn độc cắn, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, ngộ độc thuốc tân dược và ngộ độc thực phẩm.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc nam được thăm khám. Ảnh: NGUYỄN LY 

Theo thống kê của Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhận bị rắn độc cắn gia tăng theo thời gian. Trong giai đoạn 2010-2011, khoa ghi nhận số bệnh nhân bị rắn độc cắn dưới 300 người/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018-2019, con số này tăng lên trên 700 người/năm. Độ tuổi của người bị rắn độc cắn ngày càng cao với tỷ lệ tử vong chung là 0,5%.

Từ những ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm: lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%).

Ngoài ngộ độc rắn cắn, mỗi năm, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 350-550 bệnh nhân bị ngộ độc cấp do thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, số bệnh nhân nam nhiều hơn nữ. Loại gây độc thường gặp nhất là phospho hữu cơ và thuốc diệt cỏ. Nhìn chung, tỉ lệ tử vong do thuốc bảo vệ thực vật giảm theo thời gian.

“Điều đáng buồn là các phương tiện xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán xác định ngộ độc chất còn hạn chế, nhiều khi bác sĩ thường dựa trên lâm sàng hoặc kinh nghiệm của mình để chẩn đoán và đưa ra phương hướng điều trị cho bệnh nhân. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp cấp cứu hồi sức với những phương tiện đại nhưng vẫn chưa cải thiện. Đặc biệt, là ở nhóm ngộ độc không rõ tác nhân”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh. 

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay nước ta đã xác định được 240 loài rắn với số lượng tăng lên hằng năm, đặc biệt là các loài rắn độc.

Năm 1980, Việt Nam có 32 loài rắn độc nhưng đến năm 2020, con số này là 54-59 loài. Trong đó, 12 loài chỉ sống ở miền Bắc, 20 loài chỉ sống ở miền Nam và 22 loài được phát hiện ở cả 2 miền. Theo tiến sĩ Tạo, do nhu cầu kinh tế cũng như nhu cầu chơi thú cảnh tăng lên, rắn cũng được vận chuyển và phát hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước.

Hiện tại, Việt Nam chỉ chủ động tự sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và hổ đất. Những loại huyết thanh khác cần được nghiên cứu và sản xuất thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn