MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi rác - nơi mưu sinh của rất nhiều người phụ nữ tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Giấc mơ giản đơn của những phận người mưu sinh với rác

Nguyễn Linh LDO | 10/03/2023 08:31

Hơn 30 năm làm nghề bới rác, bà Võ Thị Thông đã dùng cả đời mình để gánh phần cực nhọc nuôi 4 con ăn học nên người.

Nuôi con từ rác

Đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) những năm gần đây là tuyến chính dẫn đến nhiều khu du lịch nổi tiếng của TP.Đà Nẵng. Chính vì vậy, TP.Đà Nẵng cũng đã chi hàng trăm tỉ đồng để đầu tư xây dựng tuyến này khang trang, đẹp mắt.

Nhưng trái ngược với vẻ hoành tráng, đẹp đẽ ấy là những phận đời mưu sinh bằng nghề bới rác. Ở bãi rác Khánh Sơn, song song với đường Hoàng Văn Thái.

Từ sáng sớm, bà Võ Thị Thông (59 tuổi) đã có mặt tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) để bắt đầu công việc lượm nhặt vỏ lon, chai nhựa... những thứ có thể kiếm được tiền.

“Công việc cực nhọc, hôi hám và rất bẩn nhưng vẫn phải làm để nuôi gia đình” - bà Võ Thị Thông nói. 

Mặc bộ quần áo xanh lam đã sờn vai, bạc màu ám mùi “rác”, bà Võ Thị Thông nhớ lại: “Cực nhất là thời con tôi còn đi học, có những lúc “nước mắt chan cơm”. Thiếu thốn lắm, tôi và chồng cả ngày cả đêm phải bới móc từng đống rác để tìm phế liệu”.

Suốt 30 năm, bà Võ Thị Thông không dám nghỉ ngơi một ngày nào, bởi sau lưng bà còn có 4 đứa nhỏ, tuổi ăn, tuổi học. Gắng gượng đi làm khi trời chưa sáng và về nhà lúc những đứa con đã yên giấc, nhìn dáng hình nhỏ bé của con thơ, bà Thông lại có thêm động lực để tiếp tục làm việc, kiếm tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Những ngày nhặt nhạnh được nhiều, hai vợ chồng bà Thông thu nhập được 200.000 đến 300.000 đồng nhưng cũng có những ngày, số tiền thu được chỉ đủ mua hai cân gạo.

Cuộc sống mưu sinh quá vất vả đã khiến những người phụ nữ mưu sinh từ bãi rác này không còn nhớ đến những ngày lễ, Tết, thậm chí, ngày sinh nhật của mình, họ cũng chẳng thể nhớ nổi.

Những bữa cơm trên bãi rác

Đối với những người phụ nữ làm nghề bới rác như bà Võ Thị Thông thì những chuyện như giẫm phải thủy tinh, kim tiêm, đứt tay, đứt chân là chuyện bình thường. Dùng miếng vải nhỏ hay bất kỳ thứ gì có thể băng bó được, thế là cầm tạm máu để tiếp tục công việc.

“Hầu như ai làm ở đây đều bị viêm phổi, viêm xoang rồi dạ dày, tôi cũng không ngoại lệ. Có một lần, tôi bị ngất ngay trên đống rác do trời nắng nóng cộng mùi hôi thối từ đống rác. Lần đó, tôi về khám mới biết mình bị viêm phổi nhưng rồi cũng chỉ xin ít thuốc về uống chứ không chữa trị vì thiếu tiền” - bà Mai Thị Dung cũng hành nghề bới rác như bà Thông kể.

Những người làm nghề bới rác ở bãi rác Khánh Sơn đều biết bản thân đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập, thế nhưng, vì mưu sinh, họ vẫn phải tiếp tục. Vật lộn với những đống rác bốc mùi hôi thối từ sáng đến tối để nhặt nhạnh được nhiều nhất, buổi trưa, họ phải ăn cơm ngay trên bãi rác để còn tiện làm việc.

Theo anh Nguyễn Văn Ngọc Duy - Quản lý, vận hành bãi rác Khánh Sơn - mỗi ngày có hàng trăm người đến đây để bới rác, đa số là người già và phụ nữ trung niên. Họ làm tới 17h chiều nhưng cũng có một số người làm tới 3h sáng, người nào có sức khỏe tốt thì làm nhiều để kiếm thêm thu nhập. 

“Biết họ khó khăn, tôi cũng tạo điều kiện, cấp thẻ cho họ để quản lý an ninh trật tự. Tôi mong họ làm được nhiều để đỡ vất vả phần nào, nuôi được bản thân và nuôi được con cái” - anh Nguyễn Văn Ngọc Duy chia sẻ.

Dù là nơi tập trung chất thải của cả Đà Nẵng nhưng với rất nhiều người, bãi rác chính là nơi họ mưu sinh, là nguồn sống. Những người phụ nữ cả đời lam lũ, vùi mình trong bãi rác chỉ mong rằng, con họ được học hành đến nơi đến chốn, tìm được công việc ổn định, sạch sẽ, thoát khỏi cái nghề hôi hám mà cha mẹ mình đã phải bám víu cả đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn