MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của ĐAN

Giải bài toán bất cập tiền lương, ngăn làn sóng y bác sĩ nghỉ việc

Nhóm PV LDO | 03/08/2022 07:33
Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, bác sĩ đã nói về những điều bất hợp lý trong tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhân lực công tác trong ngành y tế nói chung và bác sĩ nói riêng. Nhiều người cho rằng, đây là bài toán cần có lời giải ngay để ngăn làn sóng bác sĩ bỏ việc, giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y.

Mọi chuyện chỉ được xới lên rồi lại quên đi...

“Ôi trời, lương của bác sĩ còn không bằng một tháng em đi làm chưa tăng ca” - là câu nói của người thân làm ở một xưởng may khiến bác sĩ Nguyễn Trọng Nam - công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh khu vực miền Trung rầu rĩ suốt những ngày qua. 

Bác sĩ cho biết, con đường đến với ngành y chưa bao giờ dễ dàng. Thời gian đào tạo của một bác sĩ đa khoa là 6 năm đại học và 18 tháng học chứng chỉ hành nghề. Học phí đào tạo ngành y luôn nằm trong top cao và tăng liên tục.

Thậm chí có những cơ sở đào tạo học phí lên đến 70 triệu đồng/năm. Chưa kể, phải đầu tư thêm tiền học tiếp bác sĩ nội trú (3 năm) để có chứng chỉ hành nghề. Còn với các bác sĩ sau tốt nghiệp không học hệ nội trú, thì phải học các lớp chuyên khoa định hướng, sau đó học bằng cấp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ mới đủ kinh nghiệm và kiến thức tự tin hành nghề. 

Tuy nhiên, thực tế cơ hội việc làm thấp, mức lương không tương xứng đã khiến nhiều y bác sĩ chán nản, thậm chí bỏ nghề khi vừa bắt đầu.

“Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Nếu là bác sĩ công tác tại bệnh viện tư nhân hay hợp đồng ngắn hạn thì mức lương khởi điểm sẽ cao hơn nhưng không có nhiều chênh lệch.

Số lương đó là quá thấp so với toàn bộ quá trình đầu tư công sức, tiền bạc, không xứng đáng với việc đánh đổi cả thanh xuân trong giảng đường đại học và phòng bệnh.

Giống như tất cả các ngành nghề khác, chúng tôi cũng có hàng tá hóa đơn phải trả mỗi tháng, cũng phải ăn uống, chi tiêu như bao người. Ngẫm lại, chúng tôi nhận được gì? Trực một đêm ròng, cơ thể mệt mỏi, sức khoẻ tinh thần sa sút nhưng phụ cấp trực đêm chỉ quy đổi được “một bát phở” - bác sĩ Nam thở dài.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, 4 năm trước ông đã lên tiếng về vấn đề này, thế nhưng, đến giờ mọi thứ vẫn y nguyên, chẳng thay đổi gì.

“Rất nhiều chuyên gia, bác sĩ đã nói về những điều bất hợp lý. Thế nhưng, lên tiếng cũng chỉ để đấy, “kêu gào” cũng không ai hay, lương bác sĩ vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Bác sĩ ồ ạt nghỉ việc, chuyển việc, đặc biệt là sau dịch COVID-19 là điều có thể dự đoán từ trước” - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.

Nhiều bác sĩ trẻ cũng buồn rầu cho biết, học trường đại học nào cũng có những vất vả, nhưng chắc chắn không thể thấm vào đâu với trường Y. Sinh viên y khoa vốn chỉ có hai mùa là mùa ôn thi và mùa thi. Gần hết thanh xuân họ đã gửi lại nơi giảng đường và phòng bệnh, nhưng ra nghề lại nhận về đồng lương chưa thực sự xứng đáng.

Tăng cường xã hội hóa trong y tế

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nam, tình trạng nhân viên y tế bỏ nghề để làm trái ngành hoặc xin nghỉ việc đang diễn ra tràn lan. Để giữ chân và thu hút nhân tài ngành y, nhà nước cần có mức đãi ngộ tương xứng với những gì họ đã bỏ ra.

“Trước nhất, cần có mức lương xứng đáng cho bác sĩ, có hỗ trợ kinh phí đi học, trau dồi và cải thiện chuyên môn. Bên cạnh đó cần có lộ trình tăng lương rõ ràng và bám sát với thực tiễn. Phụ cấp dành cho nhân viên y tế cũng cần cải thiện chứ không thể “bèo bọt” như hiện nay.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có giải pháp bảo đảm môi trường làm việc an toàn để cán bộ y tế yên tâm làm việc” - bác sĩ Nam nói.

Kiến nghị giải pháp giữ chân nhân viên y tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế nên có sự hỗ trợ ngay cho nhân viên của mình bằng các hành động thiết thực để họ cải thiện đời sống.

Vị chuyên gia này đề xuất cắt giảm một số gánh nặng không cần thiết cho nhân viên y tế như các giấy tờ, thủ tục hành chính... tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn.

Còn về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược của Nhà nước như: Cải cách tiền lương, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế bằng việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc men, vật tư y tế; có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù như bác sĩ y tế dự phòng, điều dưỡng...

Bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, cần cải thiện, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy của hệ thống Y tế.

Đồng thời, xây dựng hệ thống, hành lang pháp lý an toàn bởi các quy trình, quy định phù hợp thực tế và quy định của pháp luật.

Theo ông, các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về vấn đề tự chủ tài chính, tăng cường xã hội hóa đối với hệ thống bệnh viện công.

“Tự chủ tài chính là trao quyền cho bệnh viện về hoạt động, trang bị các loại vật tư, thiết bị y tế, tự chủ đầu vào nguồn nhân lực và trả lương trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật. 

Bệnh viện kinh doanh có lãi cao, trả nhân viên cao; trong hệ thống bệnh viện trả lương cho từng vị trí khác nhau để thu hút chất xám. Có được quyền tự chủ tài chính, có cải cách về chính sách đãi ngộ (hệ số lương), đóng, hưởng bảo hiểm thì mới góp phần tạo được “dư địa” cho đội ngũ y bác sĩ yên tâm công tác” - PGS Phú phân tích. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn