MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải bài toán dôi dư nhân sự sau khi sáp nhập 4 phường ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG LDO | 13/03/2024 17:45

Sau khi thực hiện sáp nhập 4 phường của quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, địa phương dôi dư 100 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.

Thời gian gấp, áp lực lớn cho địa phương

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Cần Thơ, toàn thành phố có 4 phường của quận Ninh Kiều thuộc diện sắp xếp, gồm: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình. Phương thức sắp xếp là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 phường để thành lập đơn vị hành chính phường mới, dự kiến đặt tên là phường Thới Bình.

Toàn cảnh phường An Cư (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhìn từ trên cao. Ảnh: Yến Phương

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (UBND TP Cần Thơ), hiện nay công tác thực hiện đang gặp một số vướng mắc.

Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã diễn ra cùng với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2026 – 2031 đã tạo áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương. Với khoảng thời gian ngắn, tương đối gấp nên việc nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, công chức trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và lực lượng Quân sự, Công an ở các đơn vị hành chính của 4 phường là tổng 250 người. Trong đó, riêng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách là 137 người.

Song, sau khi sáp nhập, phường mới thành lập chỉ bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách; dôi dư 58 cán bộ, công chức phường và 42 người hoạt động không chuyên trách (tổng 100 người).

Khuyến khích tiếp nhận nhân sự dôi dư

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 13.3, ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ – cho biết, từ ngày 26 – 29.3 sắp tới, địa phương sẽ tiến hành lấy ý kiến của gần 32.000 cử tri thuộc 4 phường về việc sáp nhập thành một phường mới, hình thức là lấy ý kiến trực tiếp tại nơi cư trú của người dân.

Đặc biệt, ông Tha cho rằng, việc sắp xếp thay đổi đơn vị hành chính phường sẽ ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính có liên quan của người dân. Do đó, Ban Chỉ đạo sẽ có kiến nghị đối với quận Ninh Kiều, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi nhất, sớm nhất trong việc thay đổi những giấy tờ, thủ tục có liên quan đến cá nhân, hộ gia đình; nhất là khuyến khích miễn phí các thủ tục giấy tờ cho người dân.

Về phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của phường mới sau sắp xếp, sẽ bố trí những người đảm bảo đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn theo chức danh, vị trí việc làm, năng lực để bố trí vào công việc mới.

Đồng thời, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố thực hiện kế hoạch tuyển dụng thông qua hình thức tiếp nhận công chức cấp xã của quận Ninh Kiều về làm công chức cấp quận, hoặc khuyến khích các sở, ngành tiếp nhận những nhân sự dôi dư này.

Còn những cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn, địa phương vận động tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện chính sách tinh giản biên chế với nhân sự dôi dư theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn