MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh được đào tạo nghề. Ảnh: Lương Hạnh

Giải bài toán học sinh bỏ học đại học, chọn xuất khẩu lao động

LƯƠNG HẠNH LDO | 24/06/2023 06:14

Tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT bỏ học đại học đi xuất khẩu lao động không phải tín hiệu xấu. Tuy nhiên, ngoài thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh, thì việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia thị trường xuất khẩu lao động cần được tăng cường hơn nữa.

Nợ nần vì đi xuất khẩu lao động

Không có tiền để trang trải học phí là nguyên nhân chính khiến anh Lương Ngọc Hải (SN 1999, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chọn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc). Để có tiền đóng các chi phí cho con trai đi làm, mẹ anh Hải đã vay ngân hàng với số tiền 170 triệu đồng vào tháng 12.2021.

Từ khi anh Hải đi xuất khẩu lao động, đến nay chưa được nửa năm, số tiền anh gửi về cho gia đình khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này, mẹ anh dùng để trang trải những khoản vay nhỏ trước đó. Tháng 5.2023, đến hạn trả lãi ngân hàng, con trai chưa có tiền gửi về, mẹ anh lại phải xoay xở khắp nơi, từ họ hàng đến hàng xóm.

“Thời gian này ít việc, con ở bên Đài Loan (Trung Quốc) cũng ít việc, chưa có thu nhập nên tôi không dám gọi giục con gửi tiền, đành vay chỗ nọ đập chỗ kia...” - mẹ anh Hải tâm sự.

Phải tính đường dài

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho biết, hiện nay, xuất khẩu lao động được phân loại lao động có nghề và lao động không có nghề.
Lao động không có nghề khi ra nước ngoài làm việc chưa được đào tạo nghề, thích hợp với công việc đơn giản, ngoại ngữ ở mức cơ bản, chi phí rẻ, thời gian đi xuất khẩu lao động nhanh… Nhóm này thường phải làm công việc tay chân, môi trường làm việc, mức lương và những chế độ đãi ngộ đi kèm cũng không đầy đủ.

Với mức lương thấp trong khi chi phí chi trả cho sinh hoạt, ăn uống tại nước ngoài cao nên khi trở về nước, họ không có nhiều tích lũy. Ông Khánh lấy ví dụ lao động làm được 20 triệu đồng/tháng thì họ sẽ có tổng thu nhập khoảng 600 triệu đồng trong vòng 3 năm. Trừ chi phí ban đầu là 200 triệu đồng, chi phí ăn, uống, sinh hoạt, số tiền mang về Việt Nam không còn lại bao nhiêu. Hơn nữa, sau này, nếu trở về nước, họ không có kĩ năng nghề nghiệp rõ ràng, phải mất thời gian học nghề từ đầu.

Trong khi đó, lao động có nghề đã được đào tạo kĩ năng lao động, tay nghề sẽ tương ứng với mức lương mà lao động nhận được. Về nước, nhóm lao động này cũng rộng cửa hơn so với lao động không có nghề.

Về tình trạng nhiều học sinh tốt nghiệp THPT bỏ học đại học để xuất khẩu lao động, ông Khánh cho rằng, đó không phải tín hiệu xấu. Ông Khánh lí giải việc này gồm nhiều nguyên nhân: Học sinh tự ti về học lực, định hướng tương lai nghề nghiệp kém; thị trường lao động trong nước gặp nhiều khó khăn... Không chỉ vậy, điều kiện kinh tế hạn chế, gia đình có người ốm đau bệnh tật càng khiến phụ huynh lẫn học sinh đã chọn xuất khẩu lao động.

“Các nước phát triển luôn thiếu lao động có tay nghề. Tôi cho rằng, học sinh và phụ huynh cần tính đường dài cho con em mình trước khi nhìn cái lợi trước mắt”- ông Khánh cho hay.

TS Cao Xuân Liễu - Phó Trưởng khoa Tâm lí - Giáo dục, Học viện Quản lí giáo dục - cũng đưa ra lời khuyên, với học sinh lớp 12, rất cần sự định hướng và đồng hành cùng phụ huynh, thầy cô và xã hội. Các em cần tìm hiểu thật kĩ việc làm ở nước ngoài và tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh, chuyên gia, thầy cô trước khi quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn