MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ tự động nhận diện chữ viết tại triển lãm công nghiệp 4.0 ngày 3.10.2019. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Giải bài toán nguồn nhân lực thời 4.0

ĐỨC THÀNH LDO | 06/10/2019 18:58

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong đó, Nghị quyết đặt ra những vấn đề về chính sách phát triển nguồn nhân lực, như: Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Tuy nhiên, vấn đề nhân lực vẫn đang là bài toán cần lời giải.

Doanh nghiệp công nghệ số đi đầu

Tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa diễn ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất”. Với nòng cốt là công nghệ số, vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải cần đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu”.

Để giải bài toán này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có kế hoạch cho các chương trình giáo dục từ phổ thông tới đại học. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh là các phương pháp giáo dục tạo thế mạnh về khoa học, công nghệ, toán học và từng bước đào tạo con người trong công nghệ 4.0. Nền tảng chính được xây dựng là chương trình toàn diện về môn học công nghệ thông tin và tiếng Anh từ cấp tiểu học tới THPT để đảm bảo khi vào đại học người học đã có được trình độ vững vàng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, bộ đã xây dựng những chương trình chuẩn dữ liệu, kết nối giữa các cơ sở giáo dục, tới nay đã được 52.000 cơ sở. Đồng thời, tận dụng thế mạnh của Internet nhằm đẩy mạnh các chương trình giáo dục qua môi trường mạng, tích cực tham gia vào hệ chương trình điện số hóa, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ứng dụng mạnh các mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh. Đối với bậc giáo dục đại học, Bộ đã triển khai đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu mô hình trường đại học 4.0. Mô hình này là đại học thông minh gắn với đổi mới sáng tạo thì tới nay kết quả là 60 tiêu chí các phần mềm và đang thực hiện kết nối các trường đại học tham khảo, chia sẻ, đối sánh. Phát triển các mô hình học từ xa, học trực tuyến bởi đây là một trong những thế mạnh của công nghệ thông tin.

“Hiện nay, chúng tôi đã cho thí điểm cơ chế đào tạo công nghệ thông tin theo mô hình công nhận tín chỉ, chuyển đổi tín chỉ, đặc biệt là thu hút có sự tham gia của các công ty công nghệ trong và ngoài nhà trường. Đây là mô hình có tính thực tiễn rất cao. Đồng thời khuyến khích các trường nghiên cứu, mở các mã ngành đào tạo mới liên quan tới công nghệ thông tin, ICT, chuyển đổi số, kỹ thuật và một số ngành phục vụ cho công nghệ chuyển đổi số” - Bộ trưởng Nhạ nói.

Đảm bảo nguồn nhân lực là yếu tố quyêt định sự thành công khi tham gia vào cuộc CMCN 4.0.

Lời giải

Trao đổi với Lao Động về vấn đề chính sách phát triển nguồn nhân lực, PGS-TS Trần Quang Anh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ - Bưu chính viễn thông - nhận định: Để giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0, theo tôi có 3 vấn đề. Thứ nhất là phải xác định được khối kiến thức và kỹ năng cho cuộc CMCN 4.0 trong tương lai với những giai đoạn thời gian cụ thể. Thứ hai là xác định được nhu cầu, tức là số lượng lao động trong khoảng thời gian đó. Thứ ba là phải xây dựng được các chương trình đào tạo và tổ chức các chương trình đào tạo đáp ứng được các chuẩn đầu ra. Theo ông Trần Quang Anh, để giải quyết được vấn đề thứ nhất, phải có các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài tham gia tư vấn một cách toàn diện. Đồng thời, cần thiết cử cán bộ đi học hỏi nước ngoài xem hiện nay họ đang làm gì, đào tạo gì để nắm bắt được xu thế của thế giới. Thêm nữa là phải kết nối được với các doanh nghiệp. Để nghiên cứu được vấn đề này, đòi hỏi phải ở tầm quốc gia thực hiện rồi cung cấp thông tin đó cho các trường để đảm bảo tính thống nhất và không bị lãng phí tài nguyên nếu để từng cơ sở đào tạo nghiên cứu riêng lẻ.

Thứ hai là về số lượng cũng cần có nghiên cứu cụ thể nhu cầu chính xác từ các doanh nghiệp, việc này các cơ sở đào tạo không đủ sức để khảo sát số liệu tổng thể từ các doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xác định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác này. Thứ ba là sau khi nắm được thông tin từ cơ sở dữ liệu cấp quốc gia cung cấp thì các trường phải xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo đáp ứng các chuẩn quốc tế. “Giải được 3 bài toán ấy, tôi tin chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng và đáp ứng đúng nhu cầu xã hội về CMCN 4.0” - ông Trần Quang Anh nói.

Trong khi đó, ở góc độ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp lao động làm ra sản phẩm từ kết quả của cuộc CMCN 4.0, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông - ông Trần Thanh Hải - cho rằng, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải phát triển theo hướng những ngành công nghiệp sử dụng lao động thông dụng. Lực kéo chính là nguồn nhân lực từ các trường đại học nhưng lực đẩy là các trường cao đẳng và trung cấp. Tạo ra năng suất lao động quốc gia phải có lực lượng lao động bên dưới có khả năng tiếp thu được “lực kéo” từ những kết quả nghiên cứu của các trường đại học, để nó biến cái chất xám nghiên cứu thành sản phẩm được thương mại hóa.

“Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, những cảm biến để tăng năng suất lao động cần được chuyển giao cho người nông dân, hướng dẫn họ sử dụng để biết cách làm, điều chỉnh lượng nước, điều chỉnh lượng chất dinh dưỡng cho phù hợp. Đó chính là ứng dụng công nghệ trong sản xuất mà một người nông dân bình thường cũng tiếp thu được” - ông Hải nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn