MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá tải trường, lớp là thực trạng diễn ra tại nhiều địa phương trước thềm năm học mới 2022-2023. Ảnh minh họa: Bích Hà

Giải bài toán quá tải trường lớp trước thềm năm học mới

Tường Vân LDO | 31/08/2022 06:59

Sĩ số vượt quá 60 em/lớp, phụ huynh phải bốc thăm may rủi để con được đến trường... Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khi quy mô dân số ngày càng gia tăng trong khi tốc độ bổ sung lớp học không thể theo kịp. Nỗi lo thiếu trường, lớp, quá tải sĩ số đang gây áp lực không hề nhỏ, buộc các địa phương phải “đau đầu” tìm lời giải cho bài toán đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trước thềm năm học mới.    

Co kéo sĩ số lớp học

Chị Nguyễn Thúy Hạnh, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ sự ái ngại khi năm nay, lớp con học có sĩ số tới tận 64 học sinh.

“Tình trạng lớp học quá tải đã xảy ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục. Năm học sau, số học sinh lại đông hơn năm trước do có thêm một số trường hợp học sinh đúng tuyến chuyển đến học. Không biết giáo viên sẽ xoay sở thế nào với số học sinh đông đúc như vậy” - chị Hạnh nói.

Theo niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn năm 2015 - 2021, cả nước giảm hơn 48.000 giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp. Trong khi đó, lại xảy ra nghịch lý số học sinh tăng tới 2,5 triệu học sinh. Số học sinh tăng ở cả 3 bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Chính xu hướng tăng không đồng đều khiến tỉ lệ học sinh trên một lớp học liên tục tăng trong giai đoạn 2015 - 2021. Ở bậc tiểu học, vào năm 2015, một lớp học trung bình có 27,5 học sinh. 6 năm sau, con số này tăng lên 31,9 học sinh. Tương tự, tại bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, số học sinh trên một lớp học lần lượt tăng từ 33,5 lên 37,3 và 37,8 lên 39,9.

Tại Thông tư 28 năm 2020 về Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh.

Nhưng thực tế, nhiều trường tiểu học ở các quận nội thành như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy... luôn xảy ra tình trạng sĩ số hơn 50 học sinh/lớp. Thậm chí có nơi trên 60 em/lớp.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng thừa nhận, tình trạng học sinh đông quá tải xảy ra tại nhiều trường học trên địa bàn quận và trong nhiều năm nay.

Riêng năm học này, nhà trường tuyển sinh 371 học sinh vào lớp 1, chia đều cho 7 lớp, mỗi lớp từ 52 - 54 em. Có những năm, số lượng hồ sơ đăng ký vào nhà trường vượt quá chỉ tiêu cho phép, buộc nhà trường phải “thương lượng” với các trường xung quanh, tiếp nhận những em học sinh đó để đảm bảo theo đúng quy định tuyển sinh đầu cấp.

Đề xuất nhiều giải pháp

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, năm học 2022 - 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Tới năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, trong đó, nổi bật nhất ở một số quận huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng.

Điển hình là phường Hoàng Liệt, nơi luôn được xem là điểm nóng tuyển sinh đầu cấp của thủ đô khi hằng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Trong khi trên địa bàn phường chỉ có 2 trường THCS, 3 trường tiểu học, 1 trường mầm non với 4 cơ sở (mỗi cơ sở tương đương với 1 trường mầm non quy mô lớn) nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Chính vì số trường, lớp học không đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên những ngày qua, mới xảy ra màn bốc thăm may rủi của khoảng 700 phụ huynh để giành suất cho con vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt khiến dư luận quan tâm.

Không chỉ ở Hà Nội, tại TPHCM, năm học 2022 - 2023, dự kiến toàn thành phố tăng 21.825 học sinh (gồm: 15.282 công lập và 6.543 ngoài công lập). Trong đó, bậc THCS giảm 13.661 học sinh; bậc THPT tăng 12.761 học sinh; Mầm non tăng 6.587 học sinh. Trong khi đó, bậc Tiểu học giảm 11.184 học sinh.

Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cũng cho biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 742 trường học (393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập. Năm học 2022-2023, tăng 11 trường, trong đó tăng 1 trường THCS công lập và 10 mầm non trường ngoài công lập. Tổng số học sinh toàn tỉnh dự kiến khoảng 527.100 học sinh, dự kiến tăng thêm 30.000 học sinh so với năm học 2021-2022.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho rằng, hiện một số phường ở Hà Nội hết quỹ đất xây trường công lập. Một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá đông nên vẫn không đủ chỗ học. Do vậy, để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp khiến dư luận quan tâm, ông Cương đề xuất Bộ GDĐT cùng phối hợp các địa bàn trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.

Cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội ô. 

"Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao" - ông Cương nói. 

Còn ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM - lại nhấn mạnh rằng, để giải quyết phần nào những vấn đề trên, dự kiến đến tháng 9.2022, thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng (trong đó số phòng học tăng thêm là 356 phòng) với tổng mức đầu tư 1.532.001 triệu đồng. Trong đó, bậc Mầm non có 210 phòng học (tăng thêm 148 phòng); bậc Tiểu học có 218 phòng học (tăng thêm 105 phòng); bậc THCS có 147 phòng học (tăng thêm 103 phòng). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn