MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân ở Hà Nội cảm thấy mệt mỏi khi tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hằng ngày. Ảnh: Tùng Giang

Giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội trong giờ cao điểm

Tùng Giang LDO | 12/09/2020 06:37
Dịch COVID-19 tạm lắng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân đang dần phục hồi, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Hà Nội đã cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Nhu cầu đi lại gia tăng đang tạo áp lực rất lớn lên giao thông Thủ đô.

Một con đường “cõng” nhiều trường đại học

Chủ trương di dời các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra khỏi nội đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu. Đây được xem là vấn đề cấp bách trong bối cảnh gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng ngày càng nghiêm trọng trong nội đô. Tuy nhiên đến nay, việc di dời này vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Nhiều đoạn đường ở Hà Nội chỉ vài km nhưng có đến 6, 7 trường ĐH, CĐ gây ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm.

Theo ghi nhận của PV, đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) dày đặc các trường ĐH: ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Thương Mại, ĐH Giao thông vận tải… Tổ hợp các trường ĐH này nằm chen chúc giữa các tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khu dân cư. Trong khi đó, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn Cầu Giấy - Xuân Thủy - Nhổn khoảng 10km) mới chỉ hoàn thành việc thi công bên dưới mặt đất, chưa thể đi vào hoạt động, phục vụ người dân. Vì vậy, trong khung giờ cao điểm, tuyến đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy luôn trong tình trạng ùn tắc, phương tiện giao thông di chuyển khu vực này khó khăn.

Tình trạng ùn tắc cũng xảy ra vào giờ cao điểm tại đường Ngã Tư Sở - Trường Chinh, khi hàng nghìn phương tiện ì ạch di chuyển bên dưới tuyến đường Vành đai 2 trên cao. Không chỉ vậy, tuyến đường Nguyễn Trãi cũng luôn trong tình trạng ùn ứ, lộn xộn. Chỉ dài hơn 1km, đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart đã phải “gánh” đến 7 trường ĐH lớn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…).

Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, bình quân mỗi trường ĐH tại Hà Nội có khoảng 10.000 sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác). Vào giờ tan tầm, tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông gây ra tình trạng quá tải hạ tầng.

Thực tế, nguyên nhân xảy ra tình trạng ùn ứ này một phần không nhỏ là do tín hiệu đèn giao thông. Qua quan sát, đèn đỏ kéo dài lên tới 100 giây trong khi đèn xanh chỉ có 40 giây. Khi lưu lượng phương tiện đổ dồn về quá lớn trong khung giờ cao điểm, tất yếu sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho rằng, chuyện ùn tắc giao thông đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp từ vi mô đến vĩ mô. Về vi mô, trong giờ cao điểm, tình trạng các phương tiện dừng đỗ ven đường vẫn xảy ra, đặc biệt là xe ôtô đỗ để chủ xe mua hàng hay ăn sáng. Những chiếc xe này chiếm diện tích không nhỏ trên làn đường, tạo thành nút cổ chai dẫn đến ùn tắc. Vì vậy, cần phải kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm dọc các tuyến đường trọng điểm.

“Vĩ mô thì chúng ta gặp những vấn đề lớn từ phát triển, quy hoạch đô thị. Việc phát triển nhà ở, chung cư cao tầng rất nhiều nhưng diện tích mặt đường lại không phát triển đồng bộ. Đơn cử như khu vực phố cổ hay các quận trung tâm thành phố (quận Hoàn Kiếm) ít ùn tắc hơn, là do có các đường theo hình bàn cờ” - TS Phan Lê Bình nói.

Về việc 2km đường “cõng” đến 6 trường ĐH, TS Phan Lê Bình cho biết, bản thân các trường ĐH đặt trong nội đô chưa hẳn là nguồn cơn duy nhất gây ra việc ách tắc giao thông. Trong trường ĐH có học sinh, sinh viên và người làm trong khối văn phòng - hành chính. Những người này có gia đình, vợ con cần đi học ở các trường phổ thông, nên nếu di chuyển các trường ra ngoại thành thì sẽ không ai muốn đến trường ĐH đó vì việc đi lại bất tiện, khó khăn.

Việc phát triển đô thị đồng bộ và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân. Đây cũng là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.

“Người dân kỳ vọng đường sắt trên cao hoạt động. Nhưng theo tính toán, việc đáp ứng nhu cầu của dự án đường sắt trên cao cũng chỉ khoảng 15-20% lưu lượng giao thông. Nên cần phải ưu tiên cho xe buýt công cộng trên đường bộ, bài toán trên mới được giải mã” - ông Bình cho hay.

Nói về bất cập liên quan các hệ thống đèn giao thông đặt tại một số nút thắt ngã tư, TS Phan Lê Bình cho rằng, việc điều khiển tín hiệu đèn giao thông có khéo léo hay không, có phù hợp với lưu lượng người tham gia giao thông hay không cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến tình trạng ùn tắc tại các ngã tư.

“Nhiều nước đã áp dụng cách điều khiển đèn tín hiệu theo phương án bố trí 4 camera hướng về 4 hướng mà xe dồn đến điểm ngã tư ách tắc. Những camera này tích hợp phần mềm đếm xe. Sau quá trình này, chiều nào có lưu lượng xe đổ về lớn hơn sẽ được ưu tiên thời gian đèn xanh nhiều hơn. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa đưa vào ứng dụng phương pháp này để can thiệp vào chu kỳ đèn theo thời gian thực” - ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn