MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống Mương Chuối đạt 93% khối lượng - cống lớn nhất trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án. Ảnh: Minh Quân

Giải cứu dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng “mắc cạn”

MINH QUÂN LDO | 22/08/2023 06:00

Hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, nhưng dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng tại TPHCM lại dừng thi công gần 3 năm qua do những vướng mắc về thủ tục, vốn, phương thức thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình đi qua quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8km.

Khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành dịp 30.4.2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, sau lần tạm dừng hồi tháng 2.2018, cuối năm 2020 dự án hoàn thành hơn 90% khối lượng rồi tiếp tục ngưng.

Nguyên nhân do UBND TPHCM chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6.2020) khiến ngân hàng không có cơ sở tái cấp vốn.

Ngày 31.1.2023, UBND TPHCM mới ký kết phụ lục hợp đồng và biên bản thỏa thuận với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Sau đó, Ngân hàng BIDV có văn bản đề nghị UBND TPHCM tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để ngân hàng này có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (phụ lục hợp đồng tín dụng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn).

Để có nguồn vốn triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đã vay hơn 5.400 tỉ đồng từ Ngân hàng BIDV. Tính đến tháng 5.2023, dư nợ gốc và lãi quá hạn của dự án tại BIDV lên đến hơn 6.567 tỉ đồng.

Tái cấp vốn cho dự án, BIDV đề nghị UBND TPHCM thanh toán để chủ đầu tư trả toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn trước khi ngân hàng giải ngân tiếp. Trường hợp chỉ thanh toán 3.043 tỉ đồng theo giá trị kiểm toán, BIDV cần được Ngân hàng Nhà nước cho cơ chế đặc thù cơ cấu nợ quá hạn, giữ nhóm nợ và tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư.

Cống ngăn triều Tân Thuận (Quận 4 và 7, TPHCM) dừng thi công. Ảnh: Minh Quân

Gỡ vướng bằng cách nào?

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, hiện cần khoảng 1.759 tỉ đồng để nhà đầu tư tái khởi động và hoàn thành khối lượng công việc còn lại của dự án.

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND TPHCM đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc của dự án. Theo đó, UBND TPHCM đề xuất được uỷ thác ngân sách khoảng 1.759 tỉ đồng cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) để doanh nghiệp này cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam vay lại. Khi công trình được nghiệm thu, UBND TPHCM sẽ thanh toán cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam theo hợp đồng BT đã ký.

Sau khi được thanh toán nợ từ Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty HFIC sẽ phải hoàn trả số vốn này cho ngân sách thành phố. Việc này giúp TPHCM chủ động trong việc bố trí vốn ngân sách, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần phải có hướng dẫn từ Bộ Tài chính.

Từ kiến nghị của UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản gửi về để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

* Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện thành phố còn 7 tuyến đường bị ngập do triều cường, gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình. Tình trạng ngập ở các tuyến này chỉ được xử lý căn cơ khi siêu dự án ngăn triều của TPHCM hoàn thành.

* TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, dự án ngoài ý nghĩa quan trọng là chống ngập thì dự án này còn thay đổi môi trường cảnh quan sông, rạch của thành phố. Đến nay đã 7 năm trôi qua nhưng dự án vẫn không thể đưa vào sử dụng. Việc này gây lãng phí và thiệt hại cho người dân cũng như ngân sách thành phố phải tập trung chỉ đạo, trên tinh thần thượng tôn pháp luật để dự án sớm về đích, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn