MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu tượng trò chơi Momo

Giải mã ma lực "cam kết máu" của những "trò chơi tự sát" rùng rợn

Thảo Anh LDO | 07/09/2018 08:30

Trò chơi tự tử Momo là nguyên nhân cái chết của hai thiếu niên tại Colombia hồi cuối tháng 8 vừa qua. Trò chơi này được xem là hậu bối của “Thách thức Cá voi xanh” – một trò chơi từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Nhiều bậc phụ huynh đang đứng ngồi không yên trước những thông tin này.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những giải mã về ma lực “cam kết máu” của những trò chơi tự sát rùng rợn này. 

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam. 
Thử thách Cá voi xanh hay trò chơi tự tử Momo đã gây ra hàng loạt cái chết không báo trước. Tại sao chỉ là một trò chơi ảo mà nhiều người, đặc biệt là trẻ vị thành niên sẵn sàng chết vì nó? Ông có thể giải mã ma lực của những trò chơi tự sát rùng rợn này?

Thứ nhất, những người sa chân vào trò chơi này thường không nhận được sự động viên, cô đơn trong cuộc sống. Họ có cảm giác hoàn toàn biến mất trong cuộc đời thực nhưng khi tham gia vào những trò chơi rùng rợn đó, họ được chú ý. Với họ, tự gây hại cho bản thân để nhận sự chú ý đấy có giá trị hơn rất nhiều những đau đớn về mặt thể xác.  

Thứ hai, một thành phần khác hay tìm đến những trò chơi này có lòng tự trọng kém. Họ luôn nghĩ bản thân không có giá trị. Họ trừng trị bản thân bằng những trò chơi đau đớn và man rợ. Điều đó phù hợp với tâm lý không quý trọng bản thân.

Trong những trò chơi bệnh hoạn này, không chỉ có một người mà là tâm lý nhóm. Cả một nhóm người có tâm lý tự kỉ và chán chường y hệt nhau. Họ có những thách thức theo cấp độ tăng dần, người sau muốn “dũng cảm”, ghê rợn hơn người trước. Những “cam kết máu” có cấp độ cuối cùng là tự tử nếu không thực hiện sẽ bị đe dọa nguyền rủa hoặc bị cả cộng đồng tẩy chay.

Bản thân họ có cảm giác có cả cộng đồng và họ không phải người duy nhất cô đơn và vô dụng trên thế giới này. Cộng đồng đó đang cố chứng tỏ “chúng tôi không sợ hãi, không hèn nhát và vượt qua chính mình.

Ông đưa ra những cảnh báo như thế nào về những trò chơi này?

- Thứ nhất, những trò chơi bệnh hoạn được nghĩ ra thể hiện bản năng, thu hút sự chú ý của người khác về bản thân. Kể cả người sáng lập cũng có những suy nghĩ điên rồ là “thanh lọc thế giới”. Bản chất cũng chỉ muốn thu hút sự chú ý của người khác vào họ.

 Thứ hai trên thực tế, những trò chơi này dù không gây ra cái chết thì vẫn làm cho chúng ta trải qua sức ép về mặt tinh thần. Nó có yếu tố gây nghiện như nghiện ma túy vậy. Khi tham gia vào trò chơi đó, não tiết ra các chất tạo cảm giác thăng hoa, thoải mái, cứ rời khỏi đó là cảm thấy khó chịu.

Theo ông, giải pháp gốc rễ để lôi kéo mọi người không sa chân vào vòng xoáy ma mị của những trò chơi có tính chất lây lan như thế này?

- Theo tôi, cách thức ứng xử của cha mẹ trong quá trình giáo dục phải tăng lòng tự trọng của các con lên, phải động viên những đặc điểm tích cực để con phát huy thông qua các hoạt động trò chơi bổ ích.

Phải để con hiểu rằng chính con là cá thể đặc biệt, tuyệt diệu và có giá trị. Đấy là cách thức bền vững để lôi kéo các con ra khỏi các trò lệch chuẩn.

Thứ hai bản thân giáo viên và cha mẹ càng ngày càng phải ý thức hơn về những tổn thương sức khỏe tinh thần, nhận diện sớm của con cái.

Phải tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, bởi vì khi có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng thì không thể tư duy như người bình thường được. Những em trong giai đoạn đó dễ bị dụ dỗ bởi những người điều hành website chuyên trị hướng dẫn trò chơi bệnh hoạn, gây hại cho các em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn