MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả bên chiếc MIG 17 từng không chiến với máy bay Mỹ ngày 3-4/4/1965 trên bầu trời Hàm Rồng ( Thanh Hóa). Phi công huyền thoại, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy đã từng lái chiếc “ én bạc” này. Ảnh Cao Ngọ

Giải mã mật danh “công trường 101”

Cao Ngọ LDO | 08/10/2019 14:49
Chỉ trong vòng 10 ngày , 10.000 thanh niên xung phong (TNXP) đã được tuyển chọn, họ náo nức nhận nhiệm vụ, ai ai cũng tưởng đi B chiến đấu, tuyệt nhiên không một ai nghĩ mình đi xây dựng sân bay. 

Trong những ngày khói lửa ác liệt khi đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, ở Thanh Hoá có công trường với mật danh “công trường 101” hay “công trường thuỷ lợi Thanh Hoá”. Hơn 10.000 TNXP được huy động nhưng ban đầu cứ háo hức tưởng đi B...

Cần một sân bay quân sự

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi đặt bút viết phóng sự này về một công trình quân sự: Xây dựng Sân bay Sao Vàng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cũng là lúc nhận được thông tin phi công huyền thoại, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy về cõi vĩnh hằng. Xin được thắp nén tâm hương cầu mong cho linh hồn ông được siêu thoát nơi miền cực lạc! Chính căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng ngày nay là “đại bản doanh” của Trung đoàn không quân 923 (Đoàn không quân Yên Thế) nơi anh hùng Nguyễn Văn Bảy từng là phi công của trung đoàn này.

Tác giả bên chiếc MIG 17 từng không chiến với máy bay Mỹ ngày 3-4/4/1965 trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa). Phi công huyền thoại đại tá, anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy từng lái chiếc “ én bạc” này. Ảnh : Cao Ngọ.

Năm 1965, trên đất Thanh Hóa vào những ngày đầu tháng tư khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc sau cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc bộ”, cầu Hàm Rồng, cây cầu độc đạo, nối 2 bờ sông Mã trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A là mục tiêu máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, hủy diệt. Chỉ trong 2 ngày 3 và 4 tháng 4.1965, hàng trăm lượt máy bay mỹ gồm “thần sấm F105”, “con ma F4H” F8U… quần đảo trút bom đạn ngút trời xuống khu vực Hàm Rồng, thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) hòng phá sập cầu Hàm Rồng.

Với tinh thần quả cảm, ngoan cường, quân dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu chống trả máy bay Mỹ, bắn rơi 47 máy bay, làm cả thế giới bàng hoàng sửng sốt, còn Lầu Năm Góc kinh hãi phải thốt lên: Những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ! Cũng vào những ngày này, trên bầu trời Hàm Rồng, 2 biên đội MIG 17 do phi công Phạm Ngọc Lan và phi công Trần Hanh chỉ huy quần thảo với 60 tàu bay Mỹ đủ các loại…

Bằng lối đánh thông minh, cơ động linh hoạt, “nắm thắt lưng địch mà đánh” 2 biên đội Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh đã bắn cháy 4 máy bay địch.

Chính tầm nhìn và lường trước được miền Bắc sẽ tiếp tục bị không lực Hoa Kỳ đánh phá ác liệt và lâu dài, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất ngày một tốt hơn cho không quân non trẻ của chúng ta, nhất là xây dựng sân bay, nên nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài phải xây dựng thêm một số sân bay ở các vùng, miền để không quân chủ động nhanh nhất không chiến với quân thù.

Giải mã mật danh...

Vì thế, Chính phủ quyết định chỉ đạo các bộ, ban, ngành và tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng. Tháng 5.1965, tại Hà Nội, dưới căn nhà nằm sâu dưới lòng đất ở khu vực làm việc của Chính phủ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, các Bộ: Giao thông Vận tải, Quốc Phòng, Quân chủng Phòng không không quân… và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã họp bàn thực hiện nhiệm vụ xây dựng sân bay.

Sau khi nghe các bộ, ban ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa phát biểu, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận: Giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thiết kế, điều động cán bộ kỹ sư có kinh nghiệm  xây dựng sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc vào Sao Vàng Thanh Hóa, vừa thiết kế vừa thi công, cùng phương tiện xe, máy có thể tham gia làm nhiệm vụ. Giao cho Bộ Quốc phòng đảm bảo phòng không khi địch phát hiện ra địa điểm xây dựng sân bay, đồng thời chỉ đạo Quân chủng Phòng không không quân chuẩn bị phi công, thương tiện kỹ thuật đáp ứng khi sân bay hoàn thành là cất cánh chiến đấu được ngay. Giao tỉnh Thanh Hóa huy động 10.000 thanh niên (sau này được công nhận là TNXP) lên công trường, chưa kể khoảng 500 công nhân kỹ thuật, cơ giới để đổ bêtông khoảng vài ngàn tấn. Khối lượng đất đá phải đào đắp, san lấp trên 1.000.000m3. Các ban, ngành có liên quan phải tập trung hỗ trợ, tiến hành xây dựng Sân bay Sao Vàng nhanh nhất để máy bay chiến đấu của ta có thể tập kết, cất cánh làm nhiệm vụ.

Các bộ, ban, ngành nhận nhiệm vụ bắt tay thực hiện ngay. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ Giao thông Vận tải ngay lập tức thành lập ban chỉ huy công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng và đặt mật danh: “Công trường 101” điều động ông Trần Dân, quê làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đang đảm trách Chỉ huy trưởng công trường xây dựng tuyến giao thông chiến lược 13C ở tỉnh Yên Bái về ngay Sao Vàng làm chỉ huy trưởng công trường.

Các cựu TNXP thuộc C16-CT101 TNXP xây dựng sân bay Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu

Đối với Thanh Hóa, đó là một nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng rất nặng nề và gian khó. Nhận nhiệm vụ từ Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền lập tức trở về, triệu tập ngay Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng bí thư, chủ tịch các huyện thị, lãnh đạo các ngành, các cấp của địa phương, triển khai kế hoạch thực hiện: Mỗi huyện thị thành lập 2-3 đại đội, huyện đông dân có thể 4 đại đội. Cử một thường vụ huyện ủy phụ trách, các đại đội đều có bộ khung gồm bí thư hoặc chủ tịch xã, xã đội trưởng, trưởng công an, bí thư hoặc phó bí thư xã đoàn… trong 2 tuần phải tuyển chọn đủ 10.000 TNXP giao cho công trường.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền triển khai kế hoạch và nhắc đi nhắc lại: Tuyệt đối bí mật. Không được nói đi đâu, làm gì chỉ biết tuyển quân. Địa điểm tập kết quân sẽ thông báo sau. Các ngành, các cấp theo chức năng nhiệm vụ của mình phải có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ từ việc lập hòm thư riêng cho công trường, trạm xá, bệnh viện, các phương tiện sản xuất cuốc xẻng, gồng gánh, xe cút kít… đến các trạm báo động, lưới lửa phòng không, hầm, hào tránh trú máy bay. Triển khai ngay phương án làm trong sạch địa bàn, giữ gìn trật tự trị an…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định cử ông Tôn Viết Nghiệm - Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh làm phó chỉ huy, Bí thư Đảng ủy công trường và đặt mật danh cho công trường xây dựng sân bay quân sự Sao Vàng là “công trường thủy lợi Thanh Hóa”. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa làm việc riêng với huyện Thọ Xuân nơi công trường thi công. Yêu cầu huyện Thọ Xuân triển khai ngay phương án đón 10.000 lao động bố trí ăn ở trong dân các xã lân cận khu vực xây dựng sân bay… Chỉ trong vòng 10 ngày, 10.000 TNXP đã được tuyển chọn, họ náo nức nhận nhiệm vụ, ai ai cũng tưởng đi B chiến đấu, tuyệt nhiên không một ai nghĩ mình đi xây dựng sân bay. Chỉ tới khi hành quân về Thọ Xuân và được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền đến nói chuyện động viên và giao nhiệm vụ mọi người mới biết công việc của mình.

Kỳ sau: Công trình quả cảm của người Thanh Hoá

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn