MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số dự án trọng điểm vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng ở khu vực U Minh Thượng, An Biên, An Minh... Ảnh: Phương Vũ

Giải ngân đầu tư công chỉ gần 58%, Kiên Giang quyết liệt tháo gỡ

NGUYÊN ANH LDO | 19/12/2023 09:12

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được HĐND tỉnh Kiên Giang giao là hơn 6.680 tỉ đồng, cao hơn 1.100 tỉ đồng so với Thủ tướng Chính phủ giao. Đến ngày 15.11.2023, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt gần 58% so với kế hoạch.

Nhiều đơn vị giải ngân thấp, thậm chí không giải ngân

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay một số đơn vị có tỉ lệ giải ngân tốt và đạt trên 80% kế hoạch, giá trị giải ngân trên toàn tỉnh đến ngày 15.11 cao hơn về giá trị so cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như còn 11 đơn vị cấp tỉnh; 6 huyện, thành phố có giá trị giải ngân thấp hơn mức trung bình chung của tỉnh và một đơn vị không giải ngân.

Nhiều dự án lớn, trọng điểm (chủ yếu là các dự án giao thông) triển khai chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm...

Các dự án vốn ngân sách Trung ương các chủ đầu tư triển khai chậm, chưa quyết liệt đến cuối năm khả năng chỉ giải ngân đạt hơn 87% kế hoạch.

Chương trình MTQG giao vốn chậm; các chủ đầu tư thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, đến nay nhiều công trình chưa hoặc đang đấu thầu dẫn đến giá trị giải ngân thấp. 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai chậm do thủ tục kéo dài; vướng giải phóng mặt bằng... Đến nay còn 3 dự án chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, thiết bị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cũng nhìn nhận: một số chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vốn là Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chưa phát huy đầy đủ vai trò của người đứng đầu, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện dự án; chương trình MTQG phê duyệt nhiều danh mục, nguồn vốn bố trí nhỏ lẻ, manh mún... Một số đơn vị thi công thiếu năng lực, còn thi công cầm chừng, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, năm 2024, tỉnh sẽ bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhất là đột phá về cơ sở hạ tầng chiến lược; tập trung đầu tư các chương trình MTQG, dự án trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương... góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế.

Dự kiến, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ hơn 10.000 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư, BQLDA nghiêm túc kiểm điểm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành giải ngân kế hoạch. Người đứng đầu liên quan phải sớm có kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế.

UBND các huyện, thành phố chủ động phê duyệt danh mục và giao vốn từng dự án ngay khi được UBND tỉnh giao. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn