MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: B.K

Giải ngân vốn đầu tư công: Địa phương “ỳ ạch” sẽ kiểm điểm người đứng đầu

Cẩm HÀ LDO | 11/04/2022 09:33

Cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đều nhấn mạnh sẽ cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 ở các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao. 

Giải ngân chậm, địa phương nói gì?

Cho đến hết tháng 3.2022, tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, dù khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng cũng chỉ đạt 11,05% so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Theo lý giải của Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả giải ngân chưa cao do trùng với dịp Tết Nguyên đán nên các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa tập trung triển khai kế hoạch; hiện các địa phương đang tập trung thanh toán giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình đã quyết toán, trong khi đó các dự án mới đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ông Lê Duy Thành - yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung giải ngân các dự án đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; rà soát 39 dự án trọng tâm. Các chủ đầu tư cần tập trung triển khai các dự án và cam kết thực hiện giải ngân chi tiết đến từng dự án.

Ông Thành cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng vào các dự án nhất là các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư liên quan đến xã hội hóa, thu hút đầu tư.

Thậm chí tại tỉnh Bắc Kạn, cho đến hết tháng 1.2022, địa phương này mới giải ngân được 93% tổng vốn đầu tư công hơn 2.261 tỉ đồng của năm 2021. Đến gần hết 3 tháng đầu năm 2022, số giải ngân mới chỉ vẻn vẹn 105 tỉ đồng, tức chỉ bằng 4% kế hoạch cả năm.

Đại diện các sở ngành lý giải nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân chậm như các dự án chuyển tiếp trong nước chủ yếu là tạm ứng thanh toán, do đó năm 2022 vừa phải thực hiện hoàn ứng giá trị ứng năm 2021, vừa phải có khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Các dự án khởi công mới cũng vừa hoàn thành xong các thủ tục phê duyệt dự án và đang thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn - ông Hoàng Duy Chinh - nguyên nhân giải ngân chậm còn nhiều yếu tố chủ quan, tính chủ động của một số chủ đầu tư chưa cao, việc phối hợp chưa tốt, một số cấp ủy và chủ đầu tư chưa sát sao, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân đầu tư công.

Dồn vốn cho địa bàn giải ngân cao

Thực tế các số liệu được Bộ Tài chính công bố đầu tháng 4.2022 cũng cho thấy tỉ lệ ước giải ngân 3 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 11,03% kế hoạch và thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước là 13,17%.

Ngoài số ít bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng nhà nước (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%) hay Lai Châu (28,8%), có tới 46/51 bộ và 29/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước, trong đó có tới 29 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, dù Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao 100% kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương từ đầu tháng 12.2021 và giao điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các bộ ngành, địa phương ngay từ tháng 2.2022 nhưng các bộ ngành và địa phương đến nay vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022.

Hơn nữa trong 3 tháng đầu năm nay, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán, đồng thời các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Bộ Tài chính cho rằng, đây được cho là 2 nguyên nhân lớn khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm nay chậm hơn nhiều so với cùng kỳ 2021.

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHĐT đề xuất phương án xử lý phù hợp đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng với trường hợp các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Trong khi đó Bộ KHĐT tuần qua khẳng định sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Đến hết tháng 3.2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm phân bổ vốn; Đến hết ngày 31.5.2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỉ lệ giải ngân 0% kế hoạch); Đến hết ngày 31.5.2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.

Vẫn còn 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Tổng hợp mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy có 19 bộ, cơ quan trung ương và 30 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết đến thời điểm báo cáo còn trên 51.015 tỉ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. C.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn