MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt sáng kiến được tỉnh Nghệ An công nhận, trong đó có nhiều sáng kiến kém chất lượng. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Giải pháp chấm dứt nạn sao chép sáng kiến kinh nghiệm

QUANG ĐẠI LDO | 11/12/2017 07:50

Tại hội thảo khoa học do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục và Sở GDĐT Nghệ An tổ chức vào sáng 8.12, những vấn nạn của viết sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục lại tiếp tục được nêu ra như bệnh hình thức, đối phó, sao chép.

Vẫn còn bệnh thành tích, sao chép

Theo số liệu tại hội thảo, mỗi năm, ở Nghệ An có khoảng trên 80% số trường THPT và 100% số phòng GDĐT tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Tính từ năm học 2013 - 2014 đến nay, các đơn vị trực thuộc của sở có 1.961 SKKN. Trong đó có 851 sáng kiến đạt cấp ngành (43,4%) và 242 sáng kiến dự xét cấp tỉnh (12,3%).

Lãnh đạo Sở GDĐT Nghệ An cho biết, việc triển khai SKKN ngày càng khó khăn, vẫn còn có sự đối phó, “đạo” SKKN để xếp thi đua. Một số đơn vị còn làm chiếu lệ, đối phó… Việc áp dụng triển khai kết quả chưa được chú ý đúng mức. Không ít trường hợp viết SKKN để làm thi đua khen thưởng chứ chưa xuất phát từ niềm đam mê khoa học và xuất phát từ thực tiễn. Điều này, nếu làm không đúng sẽ là “phi giáo dục” và “phản tác dụng”.

Tình trạng nói trên phổ biến ở nhiều địa phương. Đã có nhiều trường hợp giáo viên “đạo” SKKN bị phát hiện, xử lý. Cuối năm học vừa qua, Ninh Thuận vừa xử lý 17 sáng kiến của ngành giáo dục trong năm học 2016 - 2017 sao chép nhưng lọt qua hội đồng khoa học nhà trường và nộp lên hội đồng khoa học thành phố của Phòng GDĐT Phan Rang - Tháp Chàm. Bên cạnh đó, có tình trạng lãnh đạo đứng tên chung sáng kiến với giáo viên để lấy thành tích. Dư luận cũng phản ánh hiện tượng “quan hệ”, xin xỏ để sáng kiến được công nhận.

Cần đổi mới phương pháp công nhận sáng kiến

Nghịch lý của việc “sản xuất - nghiệm thu” SKKN hiện nay là hầu hết diễn ra trên…giấy. Quy trình "sản xuất" một sáng kiến là, giáo viên đăng ký đề tài, viết thành sản phẩm, trình bày trước tổ chuyên môn, rồi hội đồng khoa học trường. Một số được chọn nộp lên huyện, rồi lên tỉnh. Tất cả đều diễn ra qua văn bản, lý thuyết, các kết quả, hiệu quả đều thể hiện qua giấy tờ. Nhiều số liệu, do các giáo viên tưởng tượng ra. Không hề có phản biện, trình diễn, minh chứng, thử nghiệm, kiểm nghiệm. Sáng kiến được “chấm” tương tự như một bài thi lý thuyết. Và sau khi “chấm”, khen thưởng xong, vị trí của sáng kiến hầu hết là nằm ngăn kéo. Nhiều sáng kiến chỉ cần đọc đề tài là biết không thể ứng dụng.

Giáo viên và lãnh đạo ngành giáo dục cũng đã chán nản, mệt mỏi với SKKN, nhưng tâm lý, nếp nghĩ việc viết SKKN là một “nhiệm vụ”, một “tiêu chí thi đua” vẫn ăn sâu, bén rễ trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên. Thầy Vương Đông - giáo viên THPT tại Nghệ An - chia sẻ: “Để SKKN thực sự có đóng góp thúc đẩy giáo dục phát triển, chấm dứt tình trạng tiêu cực, cần bãi bỏ quy định yêu cầu có sáng kiến mới được công nhận giáo viên giỏi, lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua.

Các danh hiệu này cần dựa vào thành tích công tác và chất lượng, hiệu quả giáo dục. Các nhà trường không bị áp đặt về tỉ lệ có bao nhiêu giáo viên viết sáng kiến. Còn có chỉ tiêu, thi đua, thì còn có tiêu cực, dối trá”. Về quy trình đánh giá, theo nhiều chuyên gia, hội đồng cần mời tác giả trình bày ý tưởng và trả lời các ý kiến phản biện; sau đó kiểm nghiệm, kiểm chứng tính xác thực của các số liệu, đánh giá hiệu quả trong thực tế. Một số sáng kiến cần có đủ thời gian để kiểm chứng hiệu quả rồi mới công nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn