MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở sông Lam đoạn qua huyện Anh Sơn. Ảnh Hải Đăng

Giải pháp lâu dài để xóa nỗi ám ảnh sạt lở ở khu vực Bắc Trung Bộ

Nhóm PV Bắc Trung Bộ LDO | 06/12/2023 12:15

Cuối tháng 11, đầu tháng 12.2023, phản ánh tới Lao Động, người dân xóm 1, xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), trước tình trạng bờ sông Lam sạt lở nghiêm trọng, dân làng đã đóng cọc tre, phủ bạt để bảo vệ đất. Nhiều gia đình trồng thêm cây, chăng dây nylon làm rào chắn bảo vệ, ngăn trẻ em đến khu vực sạt lở.

Đoạn sạt lở bờ sông Lam qua xóm dài 120m, rộng 20m, sâu 12m, cuốn trôi hơn 15.000m3 đất, ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân. Chỉ sau vài ngày, vết sạt lở đã kéo dài hơn 700m, cuốn trôi đất nông nghiệp trồng rau và hoa màu của nhiều gia đình. Các điểm sạt diễn ra từng đoạn dọc sông, mỗi điểm dài 30-50m, có nhiều vết rạn nứt, mép lở dựng đứng cao 8-10m so với mặt nước.

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại sông Mã, đoạn chảy qua 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ của xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, khiến hàng chục hộ dân nơi đây cảm thấy bất an, lo lắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 6.000 hộ dân và hơn 27.000 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất thuộc 107 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 40.000 hộ với gần 170.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven biển, cửa sông. Hơn 32.000 hộ với hơn 120.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven sông cần phải sơ tán khi có bão.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch việc thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa bố trí gần 550 tỉ đồng từ ngân sách cùng các nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn, ổn định. Đồng thời quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở.

Đối với đoạn sông Mã qua Vĩnh Lộc, ngay trong tháng 11.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ cát số 18 (ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc) của Công ty TNHH Minh Chung đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá, có giải pháp kịp thời thi công chống sạt lở bờ sông Mã.

Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn (Nghệ An) - cho biết: “Giải pháp hữu hiệu và tối ưu cho tình trạng sạt lở bờ sông là xây kè. Tuy nhiên, việc này cần nguồn kinh phí rất lớn, vượt ngoài khả năng của huyện. Huyện đã đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ, lập dự án xây kè tại các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở”.

Được biết, đến nay dự án làm kè bêtông chống sạt lở tại các thôn thuộc xã Lạng Sơn và Đỉnh Sơn với kinh phí dự kiến hơn 10 tỉ đồng đã được trình lên UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan này đang giao các sở, ngành liên quan tham mưu phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn