MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Cao Bằng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng "tắc" giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: An Trịnh.

Giải pháp nào cho tình trạng tắc giải ngân vốn đầu tư công ở Cao Bằng

An Trịnh LDO | 07/12/2022 14:12

Trải qua 11 tháng, Cao Bằng vẫn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước.

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.031,667 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 30.11, tỉnh đã giải ngân được trên 1.274 tỉ đồng, bằng 31,6% kế hoạch năm.

Trong số các chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công, chỉ 2 chủ đầu tư giải ngân đạt 100%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Cao Bằng, địa phương có một số thuận lợi nhất định trong triển khai kế hoạch vốn năm 2022 như tỷ lệ các dự án khởi công mới chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn lại chủ yếu thuộc các dự án chuyển tiếp, có thể thực hiện giải ngân ngay mà không mất thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư.

Dự án tái định cư chậm tiến độ.

Mặc dù vậy đến nay tiến độ giải ngân vẫn còn khá chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để gỡ khó cho tình trạng này, PV đã có buổi làm việc với đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng về những giải pháp, nhằm giải quyết bài toán, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khi thời gian của năm 2022 sắp sửa kết thúc.

Sáng 7.12, trao đổi với Lao Động, đại diện Sở KH&ĐT cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Dự án đường tỉnh 208 được kỳ vọng thúc đẩy liên kết các huyện, khu vực cửa khẩu thúc đẩy kinh tế cũng đang lâm cảnh chậm tiến độ.

Cùng với đó, Sở KH&ĐT yêu cầu từng lãnh đạo cơ quan, địa phương phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của từng dự án, đảm bảo chất lượng công trình, gắn với trách nhiệm người đứng đầu tổ chức với kết quả giải ngân của từng dự án.

"Đối với những dự án được giao bổ sung nguồn vốn từ dự án đường bộ cao tốc sang (nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) và tăng thu NSĐP) sẽ đề nghị các chủ đầu tư nỗ lực và tăng cường các biện pháp chỉ đạo và thực hiện để có thể giải ngân được cao nhất nguồn vốn được bổ sung này, hạn chế xin đề xuất điều chuyển vốn NSĐP", đại diện Sở KH&ĐT nói.

Khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở Cao Bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều công trình.

Tại dự án Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng, Sở KH&ĐT đề nghị chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu huy động tối đa nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng; tiếp tục làm đầu mối làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Một số dự án việc chậm tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.

Với số vốn mà dự án không thể giải ngân hết trong năm, Sở KH&ĐT nêu ý kiến điều chuyển cho các dự án khác ngay (nguồn ngân sách Trung ương) nếu đề xuất này của địa phương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đặc biệt, với những cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân nếu không có lý do khách quan chính đáng, Sở sẽ tham mưu điều chuyển chủ đầu tư đồng thời cũng không giao đơn vị này làm chủ đầu tư các dự án khác.

Ngoài ra, trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và những cá nhân liên quan của những đơn vị không hoàn thành trách nhiệm sẽ bị xem xét xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn