MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp nào để đường phố Hà Nội không ngập thành "sông" khi mưa lớn?

PHẠM ĐÔNG LDO | 13/05/2021 15:54

Trận mưa đầu mùa hôm 11.5 chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ đã làm nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập úng nặng. Theo Phó Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị tập trung thực hiện 5 giải pháp chính trên toàn thành phố để khắc phục tình trạng này.

Chiều tối 11.5, tại Hà Nội có mưa lớn. Chỉ xảy ra trong khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ nhưng đã biến nhiều tuyến phố thành sông. Lượng mưa đã vượt thiết kế và sức chịu tải của hệ thống thoát nước.

Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Quang Trung, Nguyễn Du, Bà Triệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, Trần Phú - Phùng Hưng… nước ngập trắng phố. Riêng phố Nguyễn Đình Thi (Tây Hồ), mưa làm nước hồ Tây dâng lên tận mặt đường, phương tiện không thể di chuyển.

Cơn mưa lớn trong chiều tối 11.5 khiến nhiều đường phố ở Hà Nội xảy ra ngập úng. Ảnh: Lao Động

Ngày 13.5, trao đổi với Lao Động, PGS. TS Nguyễn Thị Thế Nguyên – giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ngập úng ở Hà Nội ví dụ như do lịch sử để lại khi không thiết kế hệ thống thoát nước ngầm ở thành phố để đảm bảo khả năng thoát lũ. Việc tiêu thoát nước tự nhiên đạt hiệu quả thấp mỗi khi mưa lớn trên 50mm trong 2 giờ liên tục.

Ngoài ra, các hồ bị thu hẹp diện tích hoặc kè cứng, khiến chúng không còn khả năng điều hòa. Khi mưa xuống, lượng nước không được tích trữ trong các ao, hồ, vùng trũng. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo sự “bê tông hóa”, các vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến nước mưa không thể thấm được vào lòng đất, tăng tốc độ và lưu lượng chảy bề mặt. Kèm theo đó là thời tiết thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn kéo dài, vượt ngưỡng chịu tải của thành phố.

Vấn đề ngập úng trong những ngày mưa lớn đang là vấn đề chưa được giải quyết triệt để tại Thủ đô. Ảnh: Nhật Huy

Theo TS Nguyên, để hạn chế tình trạng ngập úng trong thời điểm mùa mưa ở Hà Nội, thành phố cần tăng cường hoạt động của các trạm bơm, tăng cường nạo vét, khai thông dòng chảy. Đây là những giải pháp mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện thường xuyên.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội (HSDC) cho biết, nguyên nhân gây ra các điểm ngập úng là do lượng mưa vượt quá khả năng thiết kế là 70mm/2 giờ của hệ thống thoát nước thành phố; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập úng.

Theo ông Sơn, để xử lý vấn đề này, đơn vị tập trung thực hiện 5 giải pháp chính trên toàn địa bàn, trong đó chú trọng đến cơ giới hóa, hiện đại hóa công tác thoát nước; phối hợp với các đơn vị liên quan như CSGT, thanh tra GTVT cảnh báo, hướng dẫn nhân dân đi qua các điểm úng ngập khi có mưa lớn. Trang bị camera, xây dựng bản đồ số cho các điểm úng ngập để người dân truy cập, tra cứu thông tin trực tuyến để chủ động phòng tránh, đi lại khi mưa lớn xảy ra.

Công nhân ứng trực tại các nơi úng ngập, tổ chức hướng dẫn giao thông, giải quyết thoát nước. Ảnh: Quang Uyên

Với 11 điểm ngập úng thường xuyên, ông Sơn cho biết, công ty sẽ duy trì các chốt có nhân viên thoát nước trực cảnh báo, hướng dẫn người dân đi lại trong thời gian xảy ra ngập.

Với 24 dự án đang thi công, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đơn vị đã có văn bản báo cáo thành phố, Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu thanh thải lòng mương, cống, hoàn thiện các thủ tục, bàn giao các dự án, hạng mục công trình liên quan đến thoát nước đã hoàn thành.

Còn với các dự án đang thi công, cần chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định của giấy phép để đảm bảo giao thông, thoát nước, tránh tình trạng thi công ra ngoài phạm vi được cấp phép, gây thu hẹp, tắc dòng chảy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn