MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến rút BHXH 1 lần tại BHXH quận Bình Thạnh. Ảnh: Phương Ngân

Giải pháp nào để giảm tình trạng công nhân lao động rút BHXH một lần?

Phương Ngân LDO | 23/06/2022 07:29

Có 11% công nhân lao động (CNLĐ) thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng; 36% số CNLĐ thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh; 21% công nhân đã từng rút BHXH một lần... Đâu là nguyên nhân?

Đời sống khó khăn, nhiều CNLĐ rút BHXH một lần

Đó là thông tin được TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐVN, chia sẻ mới đây tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội”.

Theo TS Vũ Minh Tiến, công nhân lao động (CNLĐ) làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Họ có quá nhiều khó khăn trước mắt cần phải giải quyết.

Đó là lý do hàng triệu NLĐ rút BHXH một lần mặc dù biết sẽ thiệt thòi về sau. Bên cạnh đó, NLĐ còn lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau.

Tìm đến BHXH quận Bình Thạnh, TPHCM, ông Đoàn Kim Cang, 52 tuổi đang cùng con trai chuẩn bị hồ sơ rút BHXH 1 lần. Ông Cang chia sẻ, đây là lần thứ 2 ông làm thủ tục rút BHXH 1 lần.

“Thời gian đóng bảo hiểm ngắn không đủ để hưởng lương hưu nên tôi quyết định rút BHXH 1 lần. Trong thời gian chưa có việc làm tôi dùng số tiền đó để trang trải khó khăn trước mắt” - ông Cang lý giải.

Cũng như ông Cang, bà Phạm Thị Loan, 48 tuổi cũng quyết định rút BHXH 1 lần vì không có khả năng tiếp tục tham gia BHXH. Theo bà Loan, công việc cũ tiền lương hơn 5 triệu đồng/tháng nên bà quyết định nghỉ sau 6 năm gắn bó.

“Làm tư nhân không được đóng BHXH nên tôi rút BHXH 1 lần. Tôi ra làm ngoài tuy không được đóng BHXH nhưng tiền lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, đủ để tôi chi tiêu cho cuộc sống” - bà Loan bộc bạch.

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thừa nhận, dịch bệnh COVID-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ. Trong đó, rất nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế.

Có 80% NLĐ bị giảm thu nhập, trong đó có 60% NLĐ giảm 20-30% so với trước dịch. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến NLĐ rút BHXH một lần.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ CNLĐ

Qua khảo sát cho thấy, độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các DN ngoài nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây có 4,8 triệu người rút BHXH một lần. 

Trước những khó khăn của CNLĐ, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật - LĐLĐ TPHCM, đề xuất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Về BHXH Việt Nam cần có nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia BHXH, để thu hút CNLĐ tham gia và đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.

Ngoài ra, UBND TPHCM có chỉ đạo Sở Công Thương cùng các tổng công ty bán lẻ lớn tại TPHCM tổ chức định kỳ, luân phiên các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ CNLĐ tại các KCX, KCN, khu công nghệ cao và các khu nhà trọ đông CNLĐ.

Góp ý về việc hỗ trợ NLĐ, ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng, các chính sách an sinh xã hội đã có của Nhà nước cần phải được triển khai đồng bộ cho NLĐ.

Mặt khác, các chính sách về thiết chế cho NLĐ cũng cần được duy trì và ổn định để NLĐ đảm bảo đời sống và gắn kết lâu dài với DN.

Ông Nguyễn Hồng Tây, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại TPHCM thông tin: Vừa qua, Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng LĐLĐVN, BHXH Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội. 

Một trong những nội dung chính là phối hợp tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn