MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khối lượng công việc nhiều, thu nhập thấp là lý do khó "giữ chân" cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: Hải Nguyễn

Giải pháp nào giữ chân cán bộ y tế cơ sở?

PHƯƠNG ANH LDO | 29/06/2023 20:03

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương đề nghị, cần có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ vướng mắc trong Nghị định 05/2023/NĐ-CP về tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở.

Khó giữ chân cán bộ y tế cơ sở

Trở về nhà khi đã quá giờ cơm tối, bà Tô Thị Tuyết Lan (53 tuổi) - cán bộ dân số tại trạm y tế phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) - cho biết, do khối lượng công việc nhiều nên có những ngày, bà chỉ có thể rời khỏi trạm y tế khi trời đã tối muộn.

“Ban đầu trạm y tế của chúng tôi được phân bố 11 cộng tác viên, bây giờ chỉ có 7 người. Phạm vi địa bàn phụ trách vẫn thế nhưng nguồn nhân lực bị cắt giảm khiến khối lượng công việc bị đẩy lên rất nhiều” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, dù công việc chất đống nhưng phụ cấp dành cho mỗi cán bộ y tế tại cơ sở hiện nay chỉ vỏn vẹn 0,3% mức lương cơ bản/tháng. Cán bộ tại các trạm y tế sẽ được nhận phụ cấp tùy theo bằng cấp, chức vụ, mức lương ngạch đang có.

Thế nhưng, điều khiến bà Lan thắc mắc là cán bộ dân số không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào trong 2 năm 2021 và 2022 - thời điểm dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Đây cũng là lúc cán bộ y tế tại cơ sở có thêm rất nhiều đầu việc cần hoàn thành mỗi ngày. Cụ thể, từ năm 2018, cán bộ dân số được sáp nhập vào y tế và trở thành cán bộ y tế, làm mọi công việc của cán bộ y tế.

Theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, cán bộ y tế sẽ được hưởng 100% phụ cấp lương trong 2 năm 2021-2022. Tuy nhiên, cán bộ dân số hoàn toàn không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào ngoài lương cứng.

“Đời sống của cán bộ y tế vô cùng thấp. Chúng tôi không thể có bất kỳ khoản thu nhập thêm nào vì công việc tại trạm y tế vốn dĩ đã rất nhiều, không có thời gian để đi làm thêm công việc gì cả. Ban ngày chúng tôi trực 8 tiếng, ngoài ra còn trực đêm” - bà Lan bộc bạch.

Cũng tương tự như bà Lan, một cán bộ y tế tại xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) chia sẻ, trong đợt COVID-19 bùng phát, các cán bộ còn phải ở tại trạm y tế hàng tuần, chẳng dám về nhà vì sợ lây chéo.

“Ở thời điểm đó, khi số ca dương tính COVID-19 không ngừng tăng lên mỗi ngày, trạm y tế tại xã của tôi chỉ có 5 cán bộ y tế phụ trách tất cả công việc hàng ngày: xét nghiệm, chuyển bệnh nhân, cách ly, điều trị, tuyên truyền, tiêm chủng...

Thậm chí, gần 2 năm trôi qua, các cán bộ y tế tham gia quá trình tiêm vaccine COVID-19 đến nay chưa được nhận thù lao” - cán bộ này cho hay.

Tháo gỡ vướng mắc trong y tế cơ sở

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, vấn đề trợ cấp dành cho cán bộ y tế cơ sở đã được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn chưa kết luận phương án cuối cùng để tháo gỡ vướng mắc này.

“Tôi và nhiều đại biểu khác nhìn ra sự bất cập trong Nghị định 05/2023/NĐ-CP đối với đội ngũ cán bộ, viên chức ngành dân số, đã cùng Quốc hội bàn thảo nhưng vấn đề vẫn tồn tại ở đó” - bà Hương nói.

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang). Ảnh: Quochoi.vn

Theo bà Hương, hiện nay, ngoài yếu tố cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì cán bộ y tế chưa được quan tâm đúng mức.

Khó khăn lớn nhất đặt ra là mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở địa phương.

“Để giữ được chân cán bộ y tế thì Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư tăng cường cơ sở vật chất. Đồng thời, phải có giải pháp để bố trí đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở, hỗ trợ phụ cấp xứng đáng cho cán bộ, nhân viên” - nữ đại biểu đoàn Hà Giang đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn