MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mất việc đăng ký tìm việc làm mới. Ảnh: Đình Trọng

Giải pháp nào giúp NLĐ tìm sinh kế khi mất việc?

LÊ HOA - ĐÌNH TRỌNG LDO | 15/08/2020 12:39

Khi dịch COVID-19 trong nước có những diễn biến phức tạp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tính đến kịch bản xấu nhất: Trong những tháng cuối năm, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60 - 70 nghìn người mỗi tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%; số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.

Trước đó, tác động của dịch COVID-19, quý II/2020 ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế thấp nhất trong vòng 10 năm qua (chỉ tăng 1,81%); cùng với đó là khoảng 1,3 triệu lao động bị thất nghiệp.

Nhiều Doanh nghiệp khó cầm cự được

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 13.8, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: “Nếu ảnh hưởng của COVID-19 khiến địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thì thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp không chịu đựng được buộc phải “gục ngã”.

Theo ông Dân, hiện nay, doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đây du lịch quốc tế đã bị ảnh hưởng, đến nay du lịch trong nước lại tiếp tục bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã thực hiện rà soát hoãn hợp đồng, tạm nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng. Thông qua việc nộp hồ sơ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đã thấy rõ điều này.

Sở đang tiến hành rà soát tình hình việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Sau khi có những con số cụ thể, sở sẽ đánh giá kỹ lưỡng và có những đề xuất, giải pháp phù hợp. Ông Dân cho hay: “Tới đây, Hà Nội có những giải pháp tiếp tục kết nối việc làm, đồng thời có những giải pháp mới để người lao động tự tìm sinh kế. Ví dụ thành phố cân đối, tăng cường uỷ thác cho vay tín dụng, chính sách ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết việc làm”.

Bên cạnh đó, sở tập trung nghiên cứu những ngành nghề thay đổi, những ngành nghề mới xuất hiện. Nắm bắt tình hình này, thông qua khảo sát cung cầu lao động sở sẽ có cơ chế, chính sách tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động nâng cao trình độ phù hợp với những ngành nghề mới này.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, phải căn cứ tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến đâu thì mới đánh giá tác động đến thị trường lao động ở mức độ nào. Nếu kiểm soát dịch bệnh tốt thì thị trường này không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp chắc chắn ảnh hưởng nặng nề.

Ông Thảo nhận định, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp vào nền kinh tế còn tác động đến thị trường lao động sẽ bị trễ hơn. Vì vậy, ở thời điểm này số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tương tự như tháng 7, chưa có sự tăng đột biến.

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tính đến kịch bản xấu nhất là, trong những tháng cuối năm, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 - 70.000 người mỗi tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%; trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.

Trước đó, tác động của dịch COVID-19, quý II/2020 ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế thấp nhất trong vòng 10 năm qua (chỉ tăng 1,81%); cùng với đó là khoảng 1,3 triệu lao động bị thất nghiệp.

Lao động vẫn chờ nhận hỗ trợ

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, hiện BHXH tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và giải quyết xong hồ sơ của 81 DN với 14.803 NLĐ thuộc nhóm tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và nghỉ việc không lương đề nghị được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ của Chính phủ. Toàn bộ hồ sơ đã được gửi lại để DN nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện theo đúng quy định.

Bình Dương cũng đã thực hiện giải ngân số tiền 271,8 triệu đồng hỗ trợ nhóm tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và nghỉ việc không lương. Dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ số tiền 26,3 tỉ đồng nếu được tỉnh phê duyệt.

Với NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng COVID-19, tỉnh đã chi hỗ trợ số tiền 7,8 tỉ đồng. Các đợt về sau vẫn đang chờ quyết định của UBND tỉnh để chi hỗ trợ số tiền 1,63 tỉ đồng cho khoảng 100 người.

Trước đó, theo thống kê của LĐLĐ Bình Dương, do dịch bệnh kéo dài khiến 295 DN với 224.304 CNLĐ bị ảnh hưởng. Trong đó, số lao động bị chấm dứt HĐLĐ là 13.045 trường hợp, số lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương 54.791 trường hợp, số lao động phải thực hiện giảm giờ làm việc 94.219 trường hợp. Để chia sẻ khó khăn trước mắt với NLĐ, LĐLĐ đã chi hỗ trợ tiền mặt, vận động DN trao nhu yếu phẩm, triển khai cho vay lãi suất thấp. LĐLĐ tỉnh cũng thành lập quỹ hỗ trợ cho những LĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ từ 4-10 triệu đồng mỗi người, tùy từng trường hợp.

* Tại Công đoàn các KCN Bình Dương, có hơn 160.000 CNLĐ, thời gian từ đầu năm đến nay, số lượng lao động bị ảnh hưởng việc làm dao động khoảng 10.000 người. Bà Mai Thanh Thảo-Chủ tịch Công đoàn các KCN Bình Dương cho biết, nhiều công ty phải lập kế hoạch sản xuất trong tháng cho NLĐ nghỉ luân phiên và trả từ 50-70% lương.

* Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương: Tháng 7.2020 có 11.467 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính lũy kế trong năm 2020 đã có 66.152 người, theo dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm.

* Theo LĐLĐ thị xã Tân Uyên, Bình Dương, nhiều DN ngành gỗ sản xuất hàng hóa ra nhưng chưa xuất đi được vì thị trường thế giới vẫn chưa phục hồi nên phải hoạt động cầm chừng. Hàng lưu kho nhiều, DN tiếp tục phải cắt giảm giờ làm và sắp xếp lại thời gian làm việc để giữ chân NLĐ chờ đến khi xuất được hàng và có đơn hàng mới.

* Đối với ngành Dệt - may, ông Đặng Thanh Vân - Chủ tịch CĐ ngành Dệt - may tỉnh Bình Dương - cho biết, mới đây một công ty tại phường Bình Hòa, Thành phố Thuận An phải cắt giảm một nửa lao động (1.000 CN) vì không có đơn hàng. Theo ông Vân về cuối năm, các DN dệt may nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi cạnh tranh tìm đơn hàng khó hơn và nguy cơ NLĐ mất việc làm sẽ nhiều hơn. Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn