MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án BRT số 1 dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được đề xuất thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao. Ảnh: Minh Quân

Giải pháp thay thế tuyến BRT số 1 ở TPHCM giúp giảm hơn 600 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 21/12/2021 18:53

TPHCM - Tuyến BRT số 1 được đề xuất thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao có làn ưu tiên, giúp giảm chi phí đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) vừa có báo cáo UBND TPHCM về phương án tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh - tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM kiến nghị tạm hoãn dự án BRT số 1 vì cho rằng nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi công trình khai thác 2 năm tới.

Tuyến BRT số 1 có tổng mức vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng), còn lại vốn đối ứng của TPHCM. Để triển khai hiệu quả công trình này, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ thông qua tổ chức SECO, với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD.

Chủ đầu tư cho biết, nếu TPHCM tạm hoãn thực hiện buýt nhanh số 1, Ngân hàng WB sẽ huỷ dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Điều này đồng nghĩa không thể triển khai gói thầu tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt ở thành phố từ nguồn này. Việc chấm dứt vốn cho dự án cũng sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO.

Do đó, sau khi rà soát, chủ đầu tư cùng Sở GTVT TPHCM đã thống nhất đề xuất tiếp tục thực hiện dự án trên cơ sở có điều chỉnh, bổ sung nhằm tranh thủ nguồn vốn của WB và Chính phủ Thụy Sĩ.

Theo đó, chưa thực hiện ngay dự án tuyến BRT số 1 mà thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao có làn ưu tiên.

So với dự án trước đây, làn đường ưu tiên được sử dụng chung với các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện ưu tiên khác để nâng cao hiệu quả khai thác.

Ngoài ra, dự án cũng giảm các hạng mục đầu tư, tập trung vào các hạng mục chính gồm: trạm dừng tại dải phân cách giữa dọc tuyến; trạm trung chuyển Bến Thành và Chợ Lớn; Depot Thủ Thiêm và ga cuối Rạch Chiếc; hệ thống tín hiệu giao thông ưu tiên xe buýt.

Theo tính toán của chủ đầu tư, việc thay tuyến BRT số 1 bằng xe buýt chất lượng cao giúp chi phí tiết giảm hơn 600 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư một số hạng mục, công việc cho hệ thống giao thông công cộng toàn thành phố.

Theo chủ đầu tư, trường hợp nhà tài trợ đồng thuận với phương án điều chỉnh, dự án sẽ tiến hành đấu thầu xây lắp vào tháng 9.2022 và đưa vào khai thác tháng 6.2024.

Để loại hình tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên đạt hiệu quả, chủ đầu tư cho rằng TPHCM phải phát triển thành mạng lưới trong thời gian sớm nhất và vận hành đồng bộ với hệ thống metro, các tuyến xe buýt truyền thống sau khi tái cấu trúc hệ thống xe buýt thành phố.

Theo tính toán của chủ đầu tư, năm đầu tiên đưa vào vận hành tuyến xe buýt xanh sản lượng có thể đạt hơn 25.000 hành khách/ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn