MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải phóng mặt bằng còn vướng, giải ngân đầu tư dự án bị ảnh hưởng... là những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: Nguyên Anh

Giải phóng mặt bằng, xác định giá đất là điểm nghẽn của các dự án ở Kiên Giang

NGUYÊN ANH LDO | 26/12/2023 17:08

Giải phóng mặt bằng, xác định giá đất được xác định là “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư và giải ngân vốn các dự án trong những năm qua ở Kiên Giang.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, trong năm 2023, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục ký cam kết và giám sát thực hiện cam kết giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện; ban hành suất đầu tư (mẫu) hạ tầng tái định cư; sửa đổi các quy định có liên quan về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư...

Đồng thời, tăng cường kiểm tra thực tế và đôn đốc thực hiện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng các dự án có nhiều chuyển biến tích cực, số dự án được giao mặt bằng nhiều hơn.

Đối với xác định giá đất, trong năm 2023, đã ban hành 120 quyết định giá đất, góp phần tăng nguồn thu từ đất gần 50%, tiền thuê đất tăng 8 lần và thúc đẩy giải phóng mặt bằng được nhanh hơn. Tuy nhiên, các dự án vẫn vướng bồi hoàn dẫn đến chậm tiến độ thực hiện, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Giải trình một số vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguồn vật tư dẫn đến chậm tiến độ dự án trong kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh ngày 26.12, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, tỉnh đã tập trung giải phóng mặt bằng để giải ngân đầu tư công nhưng khi triển khai giải phóng mặt bằng thì đa số vướng vào việc người dân khiếu nại về giá, cho rằng giá bồi thường thấp. Tỉnh cũng chỉ căn cứ vào quy định pháp luật để ban hành giá đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nhiều điểm bất cập hiện nay tỉnh đang vướng như khi thu hồi đất của dân thì phải có tái định cư mới phê duyệt được phương án thu hồi đất. Khi có vật tư thì không giải phóng mặt bằng được, không triển khai dự án, khi giao mặt bằng được thì vật tư lại không có. Chúng tôi đã đi giám sát các công trình của năm 2023, tình trạng thiếu cát đã làm chậm các dự án rất nhiều".

Ông Lâm Minh Thành cũng cho biết, giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ phải đạt 95% trở lên, riêng tỉnh Kiên Giang đến gần cuối tháng 12.2023, đạt hơn 72% theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao (đạt hơn 86% theo Chính phủ giao), khả năng phấn đấu đến hết tháng 1.2024 sẽ đạt trên 95% Chính phủ giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành giải trình các vấn đề đại biểu, cử tri đặt ra. Ảnh: Nguyên Anh

"Để đạt được con số này thì tỉnh phải quyết tâm cao hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật tư quan trọng đặc biệt là cát để san lấp. Các dự án phải nằm chờ vì không có cát san lấp”, ông Thành thông tin.

Ngoài ra, tỉnh cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại Kiên Giang có bao nhiêu mỏ cát, thậm chí là tận thu nạo vét luồng, để triển khai các dự án chứ không thể trông chờ nguồn từ các địa phương khác vì họ cũng đang thiếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay: Giải pháp trước mắt và có thể là lâu dài là sử dụng cát biển. Sau khi Quy chuẩn sử dụng cát biển trong san lấp mặt bằng đối với công trình giao thông được công bố, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức khảo sát đánh giá trữ lượng, tiêu chuẩn phù hợp cát trên địa bàn tỉnh để khai thác, cung ứng cho các công trình trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn