MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cầm đơn khiếu nại, vận động các hộ dân chấp nhận nhường đất để làm cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hoài Luân

Giải tỏa cao tốc phải có tình có lý, không được đẩy người dân vào khó khăn

Hoài Phương LDO | 22/05/2024 21:21

Ngày 22.5, Đoàn công tác của tỉnh Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dẫn đầu đã đến kiểm tra hiện trường, gỡ vướng đối với Dự án Xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo Sở GTVT Bình Định, đến nay, địa phương này đã bàn giao cho chủ đầu tư 98% diện tích (951,5/953,19ha) và 99,8% chiều dài tuyến chính (117,77/117,99km). Còn 1 tổ chức và 10 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng (thị xã An Nhơn 7 hộ, huyện Phù Mỹ 1 hộ, huyện Hoài Ân 1 hộ, huyện Tuy Phước 1 hộ và 1 tổ chức).

Để dân xây nhà trái phép, có lỗi của chính quyền

Tại dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh đoạn qua khu vực Tân Hòa (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), ông Hồ Quốc Dũng đã đến "gõ cửa" từng nhà, vận động từng hộ chấp thuận nhường đất để làm cao tốc.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nghe các địa phương báo cáo công tác GPMB.

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn - cho biết, 7 hộ dân chưa chịu di dời đều thuộc trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1.7.2014, nên chỉ được bồi thường và hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp.

Trong đó, công tác đền bù đối với hộ Phan Văn Chất là phức tạp nhất, vì tài sản được xây dựng trên đất là rất lớn.

"Khi giải quyết xong các đơn khiếu nại, gia đình nào không đồng ý di dời thì địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất", ông Tùng nói.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Phù Mỹ.

Theo tìm hiểu PV, khu vực Tân Hòa hầu hết người dân là hộ nghèo, khó khăn và đều xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã lơ là quản lý, không lập biên bản, không xử phạt vi phạm hành chính khi người dân bắt đầu "nhen nhúm" xây nhà, để khi dự án cao tốc đi qua, công tác GPMB lại rơi vào vướng mắc.

Là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc, anh Phan Văn Chất (SN 2001, trú khu vực Tân Hòa) cầm trên tay lá đơn khiếu nại, tố cáo vội trình bày với ông Dũng về những bức xúc đối với công tác đền bù, giải tỏa của chính quyền địa phương.

"Cháu và gia đình rất đồng tình di dời nhà để phục vụ cho công trình lợi ích quốc gia, tuy nhiên gia đình cháu mong muốn được đền bù thỏa đáng. Nhà cháu và hàng xóm cùng xây một thời điểm nhưng nhà họ được đền bù còn nhà cháu thì không, như vậy cháu thấy không thỏa đáng", anh Chất nói.

Anh Chất và gia đình đồng ý di dời nhà sau khi nghe ông Hồ Quốc Dũng giải thích.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng của dân, ông Dũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh và Sở TNMT tìm ra phương án có lợi nhất để giải quyết khiếu nại, thực hiện đền bù cho các hộ dân ở đây, không để xảy ra tình trạng so bì trong dân.

"Khi người dân cất nhà, chính quyền địa phương không lập biên bản, không xử phạt, không làm tới nơi chốn. Theo quy định thì họ sai, nhưng không thể đổ hết lỗi cho dân được, vì có lỗi của nhà nước trong việc quản lý.

Ở đây toàn là dân nghèo, xây được cái nhà là cả mồ hôi nước mắt của họ, không thể nói đập là đập. Về lý thì đập nhà, cưỡng chế, nhưng về cái tình thì phải giải quyết cho thấu tình đạt lý, có lợi nhất cho dân", ông Dũng nói.

Dân về dọn nhà, nhường đất sau chuyến dân vận của Bí thư Tỉnh ủy

Khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Bình Định giải thích, anh Chất và gia đình đã "gật đầu", hứa sẽ di dời nhà ngay trong chiều 22.5 để nhường đất cho dự án cao tốc.

"Đất của gia đình cháu bị ảnh hưởng một nửa, còn một nửa nằm ngoài hành lang ATGT của dự án cao tốc. Cháu mong muốn chính quyền địa phương cho gia đình cháu được tiếp tục ở trên phần đất còn lại, vì tiền đền bù hiện tại không đủ để cất nhà", anh Chất nói.

Tại đây, ông Nguyễn Minh Muộn - Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa - xác nhận, trước khi xây dựng ngôi nhà này, gia đình anh Chất thuộc hộ cận nghèo. Toàn bộ số tiền xây dựng nhà là do lao động đi xuất khẩu nước ngoài gửi về, còn bản chất thì gia đình thuộc diện khó khăn.

Trước nguyện vọng của dân nghèo, ông Dũng đã yêu cầu chính quyền địa phương, Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) lập tức rà soát, tính toán phạm vi ảnh hưởng của dự án đối với hộ anh Chất, tạo điều kiện để gia đình anh tiếp tục ở, nếu không có cản trở gì đối với dự án.

"Thực tế, nếu không mở đường cao tốc, không đền bù GPMB thì người dân ở đây vẫn sống yên ổn, muôn đời muôn kiếp. Nhưng khi có dự án cao tốc thì đụng vào mới thấy sai.

Các đồng chí phải tìm ra phương án giải quyết để người dân, đảm bảo cho họ có chỗ ở. Nếu bà con khó khăn quá thì phải có chính sách cho bà con nợ tiền sử dụng đất ở khu tái định cư", ông Dũng đề nghị.

Theo ông Dũng, Bình Định là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác GPMB trên cả nước để phục vụ cao tốc Bắc - Nam và được Chính phủ đánh giá rất cao.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng đến ngày 30.6 toàn tuyến cao tốc phải hoàn thành GPMB. Người dân cần chấp hành di dời, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn để mở đường cao tốc, vì mục đích chung của quốc gia, không thể trì hoãn được", ông Dũng yêu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn