MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội nghị "Tập huấn về giám định, giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Ảnh: PV

Giám định tư pháp trong xây dựng: Phải bắt đầu bằng câu hỏi tại sao xảy ra sự cố?

Thông Chí LDO | 25/06/2017 07:00
Mục đích của mọi cuộc điều tra sự cố công trình xây dựng không nên bắt đầu bằng câu hỏi: Ai là người có lỗi?” mà phải bắt đầu bẳng câu hỏi “Tại sao sự cố đó xảy ra?”

Ngày 23.6, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị "Tập huấn về giám định, giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng” tại tỉnh Quảng Ninh.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Minh Hà – Cục trưởng Cục Giám định cho rằng, trong những năm qua, hoạt động giám định, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Các vụ việc giám định, đặc biệt là các vụ việc lớn đã cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thụy – Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp dành thời gian chia sẻ những kiến thức chung về pháp luật giám định tư pháp. Theo đại diện Bộ Tư pháp, giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng bao gồm giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; giám định về chất lượng vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, thiết bị, bộ phận công trình, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng. Có thể nói, việc giám định sự cố công trình là một trong những công việc phức tạp nhất trong công tác giám định.

Theo PGS.TS Trần Chủng – Phó Chủ tịch Hội kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam trình tự và kỹ năng thực hiện giám định quyết định tính khách quan và độ tin cậy trong công tác giám định. Mục đích của mọi cuộc điều tra sự cố công trình xây dựng không nên bắt đầu bằng câu hỏi: Ai là người có lỗi?” mà phải bắt đầu bẳng câu hỏi “Tại sao sự cố đó xảy ra?”. Kết quả cuối cùng phải hướng tới là bài học gì rút ra từ sự cố này để không tái lặp trong tương lai. 

Từ năm 2010 đến nay, trên cả nước có khoảng 300 vụ việc giám định, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Cần Thơ , TP Hồ Chí Minh , Đà Nẵng, Hà Nội. Các vụ việc cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Giám định tư pháp xây dựng chỉ chiếm 3,2%
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay có khoảng 25 Quy chuẩn, 500 tiêu chuẩn phục vụ cho hoạt động giám định, giám định tư pháp xây dựng. Về nhân lực, hiện nay có 84 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc trên tổng số 159 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 52,8%). Có 166 giám định viên tư pháp xây dựng trên tổng số 5.277 giám định viên tư pháp thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 3,2%). Có 243 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc trên tổng số 1.089 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 22,3%).

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn