MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động luôn mong muốn được giảm thời gian đóng BHXH để họ có thể được nhận lương hưu sớm, khi sức khoẻ không đảm bảo với nhu cầu công việc. Ảnh minh hoạ: Hà Anh

Giảm năm đóng BHXH: Khuyến khích người lao động có sự lựa chọn bền vững

Anh Phương LDO | 22/04/2021 11:50
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có dự thảo đề xuất về việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm… Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, người lao động (NLĐ), đại diện BHXH Việt Nam và cán bộ Công đoàn rất đồng tình với đề xuất.

NLĐ phấn khởi khi giảm số năm đóng BHXH

Chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1996, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) - công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries (Đông Anh, Hà Nội) - hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên. Làm ở Công ty được 5 năm, chị cho biết, nếu đề xuất được chấp thuận và đi vào thực tiễn, thì tôi chỉ cần làm việc và đóng BHXH thêm 10 năm thì đã có thể hưởng lương hưu.

Hiện nay, lương trung bình mỗi tháng của Hà ở mức hơn 7 triệu đồng, mỗi tháng đóng khoảng 1,2 triệu đồng tiền BHXH. Trong đó, công ty chi trả 70% tiền đóng, công nhân đóng số còn lại 30%.

“Tiền đóng BHXH phụ thuộc vào lương của tháng đó, tháng nào làm nhiều thì đóng nhiều và ngược lại. Từ trước đến nay, tháng đóng BHXH ít nhất của tôi là hơn 300.000 đồng, tháng đóng nhiều nhất hơn 500.000 đồng” - Hà nói.

Anh Đặng Dung - công nhân ở Công ty CP Phước Kỳ Nam (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) - cho hay, năm nay, anh làm ở Công ty là năm thứ 10. Nếu như theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giảm dần số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm rồi đến 10 năm có thể nhận lương hưu thì rất tốt.

“Tôi rất mong muốn được như vậy sẽ tạo động lực cho tôi cố gắng phấn đấu để được nhận lương hưu. Việc này rất có ý nghĩa với tôi và nhiều NLĐ khác, nhất là người làm công việc nặng nhọc và môi trường độc hại” - anh Dung nói.

Giảm năm đóng là hợp lý

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam - đánh giá, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hợp lý, thực hiện đúng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Ông Thọ cho hay, nếu để đến 20 năm NLĐ mới được hưởng lương hưu thì quá dài và trở thành lý do để NLĐ thực hiện nhận BHXH một lần. Qua tham khảo, hiện nay, nhiều NLĐ không có khả năng đóng đủ được thời gian dài như vậy.

“Đề xuất của Bộ LĐTBXH rất có lợi cho NLĐ. Tất nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn hơn, NLĐ phải chấp nhận hưởng mức lương hưu ít hơn” - ông Thọ nhận định.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc NLĐ được nhận lương hưu sớm có gây ảnh hưởng đến việc cân bằng quỹ BHXH hay không? Ông Thọ cho biết, đây cũng là bài toán về cách tính hưởng lương hưu một khi đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được các cơ quan chức năng đồng ý.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề xuất thì chắc bộ sẽ có phương án để thay đổi cách tính lương hưu cho hợp lý, đảm bảo quỹ BHXH không bị ảnh hưởng. Theo tôi, Ban soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp” - ông Thọ nêu ý kiến.

Bà Trần Thị Thanh Hà - Quyền Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN cho rằng, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới giảm còn 10 năm sẽ tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi nhưng số năm tham gia BHXH thấp vẫn được hưởng các quyền lợi BHXH.

“Do thời gian đóng BHXH hiện nay dài, nên NLĐ chán nản, rời bỏ hệ thống BHXH và tham gia các loại hình BH khác, dẫn đến tình trạng BHXH không thu hút được NLĐ tham gia (có đến 66% NLĐ trong độ tuổi LĐ không tham BHXH); người già không có lương hưu tạo áp lực cho xã hội, gây mất cân bằng về an sinh xã hội. Nếu giảm số năm đóng BHXH sẽ khuyến khích NLĐ tham gia hệ thống BHXH, tăng nguồn thu, chi vào quỹ BHXH, quỹ ngắn hạn, trung hạn và tạo điều kiện NLĐ tiếp cận hệ thống BHXH. Giảm năm đóng BHXH sẽ khuyến khích NLĐ có sự lựa chọn bền vững, không lựa chọn hình thức trợ cấp 1 lần” - bà Hà nhận định.

Lãnh đạo Ban Quan hệ lao động cho rằng, nếu giảm năm đóng BHXH cũng cần chú ý đến các ngành đặc thù, số năm đóng và hưởng phải được tính toán khoa học, theo công thức chặt chẽ, tạo sự công bằng trong xã hội; giảm năm đóng BHXH cũng phải chú trọng yếu tố giới, tạo sự công bằng giữa nam và nữ và tuổi nghỉ hưu của nam và nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn