MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộ anh Trần Sáng (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) được hỗ trợ vốn nuôi heo rừng để hướng đến thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ

Giảm nghèo bền vững - Bài toán nan giải của địa phương

VĂN SỸ LDO | 04/03/2023 06:20

Những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, thực tế cho thấy công tác này còn không ít hạn chế, khó khăn. Làm thế nào để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo vẫn là bài toán nan giải với hầu hết các địa phương mà Bạc Liêu là một điển hình.

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất so với các tỉnh, thành ở ĐBSCL, hiện Sóc Trăng còn trên 15.000 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 4,54% tổng số hộ. Theo ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng - công tác giảm nghèo thời gian qua tuy đạt nhiều kết quả, song, vẫn còn những hạn chế như trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách ở cơ sở còn yếu và thường xuyên thay đổi nên việc nắm bắt các chủ trương, nắm địa bàn thiếu sâu sát, một bộ phận cán bộ làm việc thiếu cái tâm, thiếu trách nhiệm, trong khi công tác giảm nghèo cần sự sâu sát, thường xuyên.

Không ít hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, không lao động sản xuất. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến mô hình làm ăn của hộ nghèo nhưng địa phương thiếu quan tâm sâu sát để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Một số chính sách y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, giải quyết đất ở, đất sản xuất, đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ vay vốn tín dụng… chưa được quan tâm, đầu tư kịp thời, đúng mức.

Một nữ cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội ở xã thuộc huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “10 năm làm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thật sự tôi thấy, nếu chúng ta cứ trao vốn, phương tiện sản xuất rồi cuối năm đưa vào danh sách thoát nghèo để báo cáo là không nên. Tôi từng bị chủ hộ phản đối, thậm chí chửi mắng nặng lời vì việc này. Không chỉ vậy, có những hộ nghèo, mới 8 giờ sáng đã bày ra nhậu, không chịu lo làm ăn… Theo tôi, cần giúp đỡ hộ nghèo một cách sát thực tế hơn và cho họ có thời gian 2, 3 năm ổn định sản xuất, nghề nghiệp sau đó hãy đưa ra thoát nghèo. Riêng những hộ già yếu, bệnh tật thì đưa vào diện bảo trợ xã hội để hỗ trợ hàng tháng cho họ”.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn

Anh Tống Văn Hoài, ngụ xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) là hộ nghèo nhiều năm và đến năm 2021 được hỗ trợ vốn 4 triệu đồng để thực hiện mô hình kinh tế giảm nghèo. Tuy nhiên, do anh sống một mình và bị suy thận giai đoạn cuối, sức khỏe yếu, không lao động được nên cuộc sống ngày càng chật vật.

“Sau khi được hỗ trợ vốn, tôi được thoát nghèo và bây giờ là hộ cận nghèo. Tôi chạy thận 2 ngày một lần và nhờ bà con lối xóm cho tiền đổ xăng, cho tiền mua gạo. Tôi mong có chính sách gì đó để tôi có được hỗ trợ hàng tháng đỡ phải lo gạo ăn từng bữa”, anh Hoài chia sẻ.

Theo bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, các chính sách hỗ trợ chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, dẫn đến một số chương trình giảm nghèo chưa thể triển khai thực hiện. Công tác vận động, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo còn gặp khó khăn, nhất là các hộ nghèo thuộc đối tượng già yếu, neo đơn, người khuyết tật mất sức lao động và ít con cháu.

Cùng với đó, một số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng quá trình đầu tư làm ăn kém hiệu quả. Các dự án, mô hình, chương trình đã được xây dựng nhưng đến thời điểm báo cáo chưa được phân bổ kinh phí thực hiện, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện của địa phương…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn