MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại phòng phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, mọi công tác diễn ra thuận lợi, đặc biệt là đủ máu để truyền cho bệnh nhân. Ảnh: Mỹ Ly

Giảm tải áp lực về máu cho y bác sĩ, bệnh nhân tại Cần Thơ

PHONG LINH - MỸ LY LDO | 19/12/2023 09:02

Việc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ từng bước gỡ khó đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất y tế đã phần nào giảm tải áp lực về máu cho các y bác sĩ, bệnh nhân tại Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Y bác sĩ không còn “bất lực”

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Huỳnh Huệ Hân, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU), bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc là nơi điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch. Phần đông những bệnh nhân ở đây có chỉ định truyền chế phẩm máu.

Trong khoảng thời gian nguồn máu bị khan hiếm, thiếu thốn, bệnh nhân là người chịu ảnh hưởng và tập thể y bác sĩ rất khó khăn, đau đầu, phải chật vật xoay sở với việc làm sao để điều trị bệnh nhân một cách phù hợp, hiệu quả nhất.

“Thiếu máu điều trị, bệnh nhân phải chờ đợi, còn y bác sĩ chúng tôi chỉ biết cố gắng liên hệ. Là bác sĩ, nhìn bệnh nhân của mình phải đợi máu mà không làm gì được, chúng tôi đều cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt trong lòng. Những ca bệnh đó, đội ngũ y bác sĩ chúng tôi phải hội chẩn và chuyển lên những tuyến cao hơn, nhanh chóng hơn để người bệnh được kịp thời cứu chữa” - bác sĩ Hân nói.

Ngay sau khi nhận thông tin Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ gỡ khó được đấu thầu vật tư, hóa chất y tế và đáp ứng một phần nguồn máu cho bệnh viện, tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế đều rất vui mừng: “Chúng tôi phấn khởi vì những bệnh nhân của mình không cần phải chờ đợi thêm nữa mà sẽ được điều trị nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và tối ưu nhất”.

Cũng theo bác sĩ Hân, đối với Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, máu phải luôn sẵn sàng để khi cần truyền là có ngay, như thế mới đảm bảo điều trị qua khỏi những bệnh nguy kịch. Chẳng hạn, khoa có những ca sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa, những bệnh nhân này thuộc tình trạng cấp cứu và cần truyền một lượng máu lớn.

Với đặc thù như thế, nữ bác sĩ hy vọng trong thời gian tới, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ sẽ tiếp tục cung cấp máu cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Mong duy trì lượng máu ổn định

Đưa mẹ nhập viện vào thời điểm bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khan hiếm máu, chị Ngọc Thúy (Kiên Giang) luôn trong tình trạng thấp thỏm vì e ngại thiếu máu sẽ ảnh hưởng bệnh tình của bà: “Từ tháng 7, 8 là thời điểm nhiều bệnh viện bị khan hiếm máu, trong khi bệnh của mẹ tôi đang ở giai đoạn 4 rất cần lọc máu. May mắn bây giờ máu đã có, bác sĩ nhanh chóng truyền cho mẹ nên chúng tôi cũng đỡ lo”.

Được biết, tuần trước, mẹ chị Thúy được truyền máu 2 lần và qua cơn nguy kịch. Chị Thúy hy vọng, sau đợt khan hiếm máu vừa rồi, nguồn máu ở Cần Thơ sẽ tiếp tục được duy trì đầy đủ phục vụ cho việc điều trị, để không chỉ mẹ chị mà các bệnh nhân khác sớm khỏe lại, về nhà với gia đình.

Trước đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh miền Tây như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long... tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện. Đợt tiếp nhận lần này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy khởi sắc của bệnh viện vì đã gỡ khó đấu thầu, mua sắm được hóa chất, vật tư y tế để nhận, sàng lọc máu và đảm bảo cung cấp cho 74 bệnh viện khác trong khu vực. Hầu hết bà con đều sớm có mặt ở điểm lấy máu nhằm tiếp sức cho ngành y tế khu vực vượt qua khó khăn. Theo thông tin, đến nay số lượng máu tiếp nhận được đã trên 2,000 đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn