MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam cần tăng thuế rượu bia để góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Ảnh: PV

Giảm tai nạn giao thông, Việt Nam cần tăng thuế rượu bia

Hương Nguyễn - Đặng Chung LDO | 11/01/2020 19:13
Từ ngày 1.1.2010, quy định “đã uống rượu bia là không lái xe” được đa phần người dân rất ý thức thực hiện nghiêm túc. Tại nhiều bệnh viện, tỉ lệ các ca cấp cứu tai nạn giao thông do bia rượu giảm bất ngờ, trong khi đó, các quán nhậu vắng khách “thê thảm”. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng ngành bia rượu trong năm 2020 chỉ dừng ở mức 6-7% do chịu tác động của luật.

Tăng trưởng bia rượu năm 2020 sẽ giảm sút

Khảo sát hai thương hiệu bia rượu lớn của Việt Nam là Habeco (Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội) và Sabeco (Tổng Công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn), chuyên gia kinh tế nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ giảm sút so với năm 2019.  Bà Trần Thuỳ Trang - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. SSI dự báo tốc độ tăng trưởng ngành Bia sẽ ở mức 6-7% trong năm 2020.  

Mặc dù công ty ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng đáng khích lệ là 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2019 nhờ chương trình tái cấu trúc của ThaiBev, nhưng giá cổ phiếu SAB vẫn không thể tăng theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Các nhà đầu tư tiếp tục tin rằng định giá của SAB vẫn còn quá cao. Cổ phiếu đang giao dịch với mức PE là 30 lần so với mức trung bình ngành là 26 lần.

Đối với SAB, bà Trần Thuỳ Trang dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 lần lượt đạt 44,4 nghìn tỉ đồng (+10% so với cùng kỳ năm 2019) và 6,1 nghìn tỉ đồng (+12% so với cùng kỳ năm 2019).

Tình trạng kém khả quan hơn là BHN của Habeco. Kết quả kinh doanh lao dốc của Habeco đang đi ngược với xu hướng tăng trưởng chung của ngành bia khi người Việt vẫn nằm trong danh sách uống bia nhiều nhất thế giới

Công ty tiếp tục ghi nhận kết quả đáng thất vọng khi lợi nhuận ròng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. BHN tiếp tục mất thị phần cho SAB và Heineken.

Về kết quả kinh doanh, trong vài năm gần đây, lợi nhuận của Habeco liên tục đi xuống bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng cao. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 1.443 tỉ đồng. Sau đó lợi nhuận trước thuế liên tục lao dốc xuống còn 869 tỉ đồng vào năm 2017 và 667 tỉ đồng trong năm 2018.

Hoạt động kinh doanh có xu hướng đi ngang trong khi các khoản chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí bán hàng, tăng rất mạnh so với năm 2017… đã làm bào mòn lợi nhuận. Lợi nhuận trong 4 năm liên tiếp của Habeco bị sụt giảm tới 60% so với mức đỉnh cao nhất của năm 2014.

Tăng thuế bia rượu để hạn chế tối đa?

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngoài việc áp dụng luật pháp nghiêm với những trường hợp lái xe sau khi sử dụng bia rượu, mặt hàng này cũng bị áp thuế rất cao. Trước đó, chúng ta cũng đã tranh luận rất nhiều về việc có nên áp thuế cao hơn đối với mặt hàng bia rượu hay không? Nhất là khi sau khi luật có hiệu lực, những ngày đầu tiên ghi nhận tỉ lệ tai nạn giao thông do bia rượu đã giảm thấy rõ. 

Theo đại biểu quốc hội Thái Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra nghị trường để thảo luận, rất nhiều đại biểu nêu quan điểm cần phải tăng thuế để rượu, bia ngày càng đắt, lúc đó người dân có thể hạn chế mua hơn. Phải thừa nhận ở Việt Nam, việc mua rượu bia rất dễ dàng và rẻ hơn ở nước ngoài. Nếu tăng thuế rượu bia sẽ đánh vào kinh tế của người dân và hy vọng giảm lượng tiêu thụ bia rượu.

“Tuy nhiên, từ 1.1.2020, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, với quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, rõ ràng ý thức người dân đang chuyển biến rất tốt. Đặc biệt từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, việc tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, truyền thông đã ghi nhận số người đến quán nhậu, nhà hàng đã giảm hẳn. Việc này dẫn đến lượng tiêu thụ rượu bia cũng giảm, ý thức người dân đã tốt hơn. Vì vậy, tôi cho rằng chưa nên đặt vấn đề tăng thuế rượu bia vào lúc này, vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp” - đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải quy định các hình thức xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khi sử dụng rượu bia gây hiệu quả nghiêm trọng. Việc này, Nghị định 100/2019 mới đi vào cuộc sống nhưng phát huy tác dụng rất tốt, góp phần răn đe, nâng cao ý thức người dân. Vì thế chưa nên đặt luôn vấn đề áp tăng thuế rượu bia vào lúc này.

Tuy nhiên ông Phương cho rằng, về lâu dài vẫn cần siết hơn việc kinh doanh rượu bia, như quy định các quán bán rượu, bia bán phải có mức độ. Đồng thời trong tương lai vẫn nên xây dựng lộ trình để tăng thuế rượu bia. Vì các chuyên gia trong nước và thế giới đã cảnh báo rất nhiều về tác hại của rượu bia, hạn chế được càng nhiều người uống rượu bia thì càng tốt.

Quán nhậu vắng đìu hiu

Theo khảo sát của PV Lao Động, tại Hà Nội, nhiều quán ăn, quán nhậu hiện kinh doanh khá ảm đạm vì lượng khách giảm rất mạnh.

Anh Trần Anh Minh - quản lý một quán bia trên đường Trần Thái Tông - cho biết: Lượng khách giảm khoảng 50% so với thời điểm trước khi luật có hiệu lực. Doanh thu của nhà hàng cũng giảm mạnh, chỉ bằng 1/2 so với trước. Tôi nghĩ nhiều quán nhậu ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự” - anh Minh cho biết.  

Bia Hà Nội chưa thống kê sản lượng

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện hãng bia Habeco cho biết: “Chưa thống kê chính xác doanh số bán ra”. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, không khó để dự đoán sản lượng bia rượu của Habeco sẽ giảm sâu so với trước ngày 1.1.2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn