MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2020, người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng tháng trở lên nếu không có người phụ thuộc mới chịu thuế thu nhập cá nhân.

Giảm trừ gia cảnh tăng lên 11 triệu đồng: Có lạnh lùng, vô cảm?

Bằng Linh LDO | 19/05/2020 10:33

Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng được cho là những nỗ lực làm giảm gánh nặng cho người lao động. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức nâng này còn chưa hợp lý. Thậm chí vẫn còn "lạnh lùng, vô cảm".

Trước thông tin trên, anh Hoàng Minh Phong, nhân viên một doanh nghiệp nhà nước tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nói: “Thu nhập của tôi vẫn chưa ở mức phải nộp thuế nhưng tôi cho rằng với mức tăng về giá cả trong nhiều năm trở lại đây, tử tiền điện, nước và tiền thuê nhà khiến chúng tôi không để dành ra được đồng nào. Sau bao nhiêu năm vẫn phải đi thuê nhà. Nếu được tăng thu nhập lên mức phải chịu thuế thì tôi vẫn đồng ý đóng thuế coi như trách nhiệm với nhà nước song cơ quan thế cũng nên tính mức giảm trừ đối với người phụ thuộc hiện nay, dù có lên tới 4,4 triệu cũng là quá lỗi thời. Từng đó tiền thì không nuôi đủ một đứa con đi học”.

Còn anh Trịnh Thanh Bình tại Quận Cầu Giấy nói: “Nhiều sinh viên ra trường hiện nay khi đi làm đã đề xuất mức lương 15-20 triệu, điều đó có nghĩa là mức thu nhập trên 20 triệu hiện nay không còn hiếm. Thậm chí ở Thành phố thì phải có thu nhập như thế thì mới gọi là tạm sống. Vợ chồng tôi tổng thu nhập là 35 triệu đồng một tháng nhưng tháng nào hết tiền tháng đó. Bởi vậy mức giảm trừ gia cảnh lẽ ra phải tăng lên 15 triệu/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc phải nâng lên 6-7 triệu thì mới phù hợp với tình hình hiện tại”.

Trên thực tế, ngay từ trước khi Bộ Tài Chính trình Chính phủ về mức tăng giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến cho rằng đó là cách tính “lạnh lùng, vô cảm” khi nhân 9 triệu đồng mức giảm trừ gia cảnh cũ với 23% CPI để ra con số làm tròn 11 triệu đồng.

Trả lời báo Tuổi Trẻ,  TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định, GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy, đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. 

Còn PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Giả sử bữa cơm của 1 gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy thì 10 năm sau, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được "tí rau tí thịt".

Do đó, theo ông Bảo, nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người.  Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu đồng nhân 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng/người (3,6 triệu nhân 155%). 

Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, việc tăng giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN cũng khiến ngân sách nhà nước hụt thu một khoản đáng kể

Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành Thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người, với tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 79.219 tỷ đồng. Bộ Tài chính tính toán, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.800 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 14% số thu NSNN về thuế TNCN từ tiền lương, tiền công năm 2019).

Như vậy, việc tăng giảm trừ gia cảnh lần này cũng được cho là tính toán, cân bằng đến lợi ích người đóng thuế và lợi ích của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn