MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giãn dân phố cổ Hà Nội: Nếu cứ cố đẩy họ đi, họ sẽ tìm cách để ở lại

ĐÌNH TRƯỜNG - LAN NHI LDO | 06/04/2021 11:00

Để tháo gỡ những khó khăn cho bài toán giãn dân phố cổ - một bài toán kéo dài hơn 20 năm chưa thể có cái kết thỏa đáng, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị. Ông Khôi bình luận vừa với tư cách của một chuyên gia quan sát, vừa dưới góc độ của một người dân có nhà tại khu phố cổ.

This browser does not support the video element.

GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi cho rằng các phương án giãn dân cần được xem xét kĩ lưỡng.

Ông có thể lý giải vì sao đề án giãn dân phố cổ được đặt ra từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay chưa thể hoàn thành?

- Giãn dân là một đề án thực sự cần thiết. Bởi phố cổ hiện tại đang chất tải quá mức, khiến cho hạ tầng không còn được đảm bảo và bộ mặt của khu vực này đang trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh, thậm chí là không an toàn.

Nhưng đề án này là một bài toán khó, chúng ta cũng cần phải thông cảm cho những người thực hiện. Khó phần nhiều bởi tại đây, người dân đang tận dụng từng mét vuông vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Người ta đang không muốn chuyển đi bởi không muốn có sự thay đổi trong sinh kế của mình.

GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị. Ảnh: Lan Nhi.

Lý do cơ bản khiến chúng ta chưa làm được bởi chưa khiến cho người dân yên tâm về tương lai khi họ di dời. Đó là câu chuyện của chính sách đền bù, hỗ trợ, của nơi tái định cư, của tuyên truyền, vận động,...

Theo quan điểm của ông, đâu là những biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh quá trình giãn dân phố cổ?

- Tôi cho rằng có hai biện pháp cơ bản. Đó là cơ học và nhân học.

Thứ nhất, về biện pháp di dân cơ học, phải tiến hành khảo sát về các mục đích khi giãn dân. Ví dụ, để bảo tồn di sản, như vậy dứt khoát những bộ phận người sống bám vào di sản, vào các công trình kiến trúc, di tích buộc phải di dời.

Để đảm bảo về mặt vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường; đảm bảo về an toàn sinh mạng cho người dân thì phải giải quyết đối với những khu vực ở cũ, sinh sống quá chật chội, nguy cơ xảy ra tình trạng cháy nổ cao. Đó là những ngôi nhà chỉ có một ngõ vào, không có đường thoát, cực kỳ nguy hiểm. Khu vực này cần phải xử lý bằng các biện pháp cơ học tích cực.

Dân phố cổ sống chật vật trong những con ngõ chật hẹp. Ảnh: Tùng Giang

Biện pháp thứ hai là biện pháp nhân học, hướng trực tiếp vào con người. Chúng ta cần phải nhìn nhận xem các thành phần dân cư ở phố cổ hiện tại, những người đã tạo nên vẻ đẹp truyền thống - bản địa tại đây gồm những ai.

Thứ nhất là trí thức phố cổ. Họ sống bên trong hoặc trên cao, ẩn khuất. Họ vừa muốn thoát khỏi không gian ở chật chội và ô nhiễm này ra khu đô thị mới, nhưng lại vẫn muốn níu kéo vài mét vuông của phố cổ để lấy chỗ đi về không gian nơi chốn. Thành phần thứ hai là dân Kẻ Chợ. Họ ngược lại với trí thức, tạo sự ồn ào và náo nhiệt, chiếm lĩnh không gian tầng trệt và vỉa hè, tạo sự đa dạng của các món ăn và hàng hóa.

Phố cổ không thể vắng trí thức và Kẻ Chợ. Nhưng dân Kẻ Chợ cũng có hai loại. Ở đây, ngoài những người gốc phố cổ, còn có một lượng lớn dân cư đến làm thuê. Số lượng này đông, mang theo những áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng. Để di dời thì chắc chắn họ không muốn đi xa, vậy ta có thể tạo giải pháp tái định cư tại chỗ, bao gồm bổ sung hệ thống nhà ở xã hội để cho những người làm thuê và dịch vụ ở đó. Nếu ta dùng biện pháp cơ học để đẩy người ta ra xa thì họ sẽ tìm cách để ở lại, kể cả trong những nhà trọ mất vệ sinh.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, giãn dân rất cần nhưng giãn đến mức nào thì phải nghiên cứu xem xét. Thành phần nào cần phải cưỡng chế, thành phần nào cần phải thuyết phục.

Đồng thời, khi chúng ta làm phải có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, phải có khảo sát, điều tra xã hội học hết sức cụ thể, chi tiết.

Một cơ chế phối hợp chính quyền, doanh nghiệp và người dân có thể sẽ là cách thức để thực hiện giãn dân phố cổ hiệu quả. Ảnh: Lan Nhi

Một trong những vướng mắc lớn từ phía người dân hiện nay đó là chính sách đền bù, hỗ trợ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng ở đây quan trọng nhất là sự đồng thuận. Trên thực tế, một số quận huyện, khi đạt được sự đồng thuận thì có những trường hợp còn tự nguyện hiến một phần đất để cho hạ tầng chung tốt hơn.

Có thể nên có một cơ chế để ba bên bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Ví dụ như doanh nghiệp thỏa thuận đưa người dân đến ở tại một địa điểm có điều kiện sống tốt hơn nhưng vẫn dành lại một phần diện tích nhỏ để người dân có thể thuê lại buôn bán, kinh doanh.

Và chính quyền khi đó sẽ đứng ra đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý, với các chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, mặt bằng kinh doanh tạm thời cho người dân và doanh nghiệp,...

Ông có nhắc đến phương án tái định cư di dời, trên thực tế, chúng ta đã có những địa điểm như vậy nhưng phần nào chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy theo ông, hình hài của một đô thị tái định cư lý tưởng cho dân phố cổ sẽ như thế nào?

- Bản thân tôi và nhiều chuyên gia khác về lịch sử, văn hóa, kinh tế cũng nhiều lần được phía chính quyền Hà Nội đặt hàng các đề tài nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã ngồi lại với nhau để tính cho Hà Nội và cho riêng quận Hoàn Kiếm những giải pháp hữu hiệu, sao cho vừa đạt hiệu quả lại vừa có được tính nhân văn.

Và theo quan điểm của tôi, đánh giá về độ hấp dẫn của đô thị có 2 tiêu chí là tiện nghi (bao gồm chất lượng các công trình nhà ở, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, giao thông,...) và sự thân thiện, gần gũi với con người. Khái niệm thân thiện, gần gũi còn bao hàm cả việc người dân có thể phát triển sinh kế và duy trì tập quán, lối sống. Chính quyền cần xây dựng trong những khu tái định cư cả những không gian sinh kế mới gần gũi với sinh kế cũ.

Từ đó có thể thấy, với tất cả những gì chúng ta đã phân tích ở trên, đề án giãn dân nếu chúng ta chỉ đơn thuần đưa ra các mốc thời hạn, di chuyển từ ngày này đến ngày kia, với giá đền bù chỉ có chừng đó, thì đương nhiên người dân sẽ tính toán, sẽ lo lắng và họ sẽ không muốn rời đi.

Bởi rốt cuộc, chỉ khi người dân cảm thấy yên tâm về tương lai, về sự an toàn trong đời sống của cả gia đình mình thì họ mới có thể tham gia đề án một cách tự nguyện và đề án mới có cơ hội phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn