MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giãn dân phố cổ: Phê duyệt hơn 4.300 tỉ đồng, mới giải ngân được 29 tỉ

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 22/04/2021 06:21

Kinh phí được phê duyệt cho đề án giãn dân phố cổ là hơn 4.300 tỉ đồng, tuy nhiên, theo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hiện đề án mới chỉ giải ngân được hơn 29 tỉ đồng.

Kinh phí để giãn dân đã được tiêu thế nào?

Mới đây, trong thông tin gửi tới Báo Lao Động, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã cho biết về hoạt động chi tiêu ngân sách đối với đề án giãn dân phố cổ.

Cụ thể, tại Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 9.1.2013 của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt Đề án giãn dân phố cổ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được duyệt là 4.320 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 522 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 3.798 tỉ đồng.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, kinh phí cho đề án giãn dân mới chỉ giải ngân được 30 tỉ đồng. Ảnh: Tùng Giang

"Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã sử dụng ngân sách quận để triển khai thực hiện Đề án giãn dân giai đoạn I với kinh phí khoảng 29,4 tỉ đồng" - phía UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Trong đó, các mức chi được sử dụng cho cả 2 dự án bao gồm: Dự án đầu đi (giải phóng mặt bằng các hộ dân) và Dự án đầu đến (xây dựng cơ sở hạ tầng và khu nhà ở phục vụ giãn dân).

Đối với dự án đầu đi: Khoảng 300 triệu đồng phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.

Đối dự án đầu đến: khoảng 29,1 tỉ đồng cho các dự án thành phần bao gồm: Công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân khoảng 5,2 tỉ đồng; Thi công dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân là khoảng 22,2 tỉ đồng; Di chuyển Trạm biến áp thuộc Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị khoảng 1,7 tỉ đồng.

Đề xuất tất cả hộ giãn dân đều thuộc diện bắt buộc

Cũng theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, để thực hiện hiệu quả đề án giãn dân phố cổ trong thời gian tới, UBND quận đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao hỗ trợ quận Hoàn Kiếm việc khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở cho việc rà soát, thống kê chính xác số hộ dân nằm trong phạm vi phải di chuyển cũng như việc áp dụng cơ chế, chính sách đối với nhóm đối tượng này.

Đáng chú ý, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét việc xác định các hộ dân di chuyển ra khỏi khu phố cổ đều thuộc đối tượng giãn dân bắt buộc vì khu phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích cấp quốc gia.

UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất các hộ giãn dân phố cổ đều thuộc diện bắt buộc. Ảnh: Tùng Giang

Đồng thời, đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét đến chính sách nhà ở tái định cư tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên như hình thức thuê, thuê mua, mua...

Đối với dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân, sau khi hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, UBND quận đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét, sớm phê duyệt Quyết định điều chỉnh về cơ chế đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ để dự án có đủ điều kiện triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.

Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nguyên nhân đề án giãn dân phố cổ chậm trễ trong một thời gian dài là bởi cần phải điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh cơ chế đầu tư cho đề án.

Mới đây, Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài viết về Đề án giãn dân phố cổ chỉ nhiều nguyên nhân chậm trễ, khó khăn, vướng mắc của đề án này. Hiến kế cho một tương lai khả thi, các chuyên gia về quy hoạch đều chung nhận định, cần phải thay đổi tư duy bởi phố cổ là khu vực có tính đặc thù cao và cần có các chính sách, phương án riêng biệt, đột phá.

Đề án giãn dân phố cổ với chủ trương được đặt ra từ năm 1998, chính thức phê duyệt năm 2013. UBND TP.Hà Nội chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Khi đó, những con số từng rất hứa hẹn đã được đưa ra. Mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 20 năm với nhiều lần nâng lên đặt xuống, giãn dân phố cổ vẫn chỉ là một đề án mang nhiều thách thức, không thể về đích đúng hạn.

Mới đây, TP.Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Với động thái này, một lần nữa vấn đề giãn dân phố cổ lại được cơ quan chức năng đặt ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn