MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện Nước Chè “bỏ hoang” do nhiều lãnh đạo công ty bị bắt. Ảnh: Thanh Chung

Gian nan đòi tiền bồi thường từ thủy điện

Thanh Chung LDO | 24/03/2021 12:30
Khi chưa thống nhất giá đền bù, giải tỏa, dự án thủy điện Nước Chè, Quảng Nam đã vội thi công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng, công trình dân sinh, đất sản xuất... của gần 1.000 hộ dân ở huyện Phước Sơn. Dân khiếu nại, sự việc chưa được xử lý thì xảy ra việc Giám đốc của dự án cùng nhiều thuộc cấp vướng án hình sự, công trình “bỏ hoang”, nhiều năm nay dân không thể đòi được tiền bồi thường thiệt hại...

Lãnh đạo bị bắt, công trình hàng trăm tỉ “bỏ hoang”

Dự án thủy điện Nước Chè do Công ty CP thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bắt đầu triển khai từ tháng 6.2018. Dự án ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ (huyện Phước Sơn).

Tuy nhiên, vào ngày 19.8.2020, tại công trình thủy điện Nước Chè, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang một nhóm người là nhân viên Công ty TNHH Hoàng Nhi, Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Khám xét khẩn cấp kho vật liệu nổ của Công ty TNHH Hoàng Nhi tại công trường thi công thủy điện Nước Chè (thuộc địa bàn xã Phước Mỹ), Cơ quan An ninh điều tra thu giữ 117 thùng thuốc nổ còn nguyên đai, nguyên kiện (mỗi thùng nặng 24 kg). Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện lợi dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp tại các hạng mục công trình thủy điện Nước Chè cấu kết với Công ty TNHH Hoàng Nhi lập khống hồ sơ, lừa dối cơ quan chức năng để mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình.

Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Thái (48 tuổi, ở TP.Pleiku) - Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ và đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Sau khi xảy ra vụ việc, dự án thủy điện Nước Chè có tổng diện tích khoảng 120ha, công suất 30MW, vốn đầu tư khoảng 750 tỉ đồng cũng ngừng thi công. Đến nay, bờ đập thủy điện dài gần 200m, cao hàng chục mét cơ bản hoàn thành, còn nhiều hạng mục khác vẫn đang bỏ dở khi đang thi công, sắt, thép, máy móc… ngổn ngang trên công trường. Đặc biệt, bên phải và trái của bờ đập về phía thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng do đợt mưa lũ cuối năm 2020.

Một lãnh đạo huyện Phước Sơn cho biết, do giám đốc dự án bị công an khởi tố về hành vi liên quan đến vật liệu nổ, nên việc tiếp tục triển khai dự án chỉ thực hiện được sau khi vấn đề liên quan đến pháp luật được xử lý xong.

Chủ đầu tư hứa suông

Tháng 9.2018, khi huyện Phước Sơn chưa có quyết định phê duyệt giá đất cũng như cây cối, hoa màu để làm cơ sở đền bù cho người dân, thì chủ đầu tư thủy điện Nước Chè đã tự ý san lấp mặt bằng để thi công, làm vùi lấp đất đai, cây cối, hoa màu khiến người dân bức xúc, gửi đơn khiếu kiện. Qua kiểm tra, chính quyền huyện Phước Sơn đã đình chỉ hoạt động xây dựng, san lấp công trình để tập trung giải quyết các thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho các phương tiện thi công, san lấp...

Ông Hồ Văn Phương (42 tuổi, thôn 1, xã Phước Năng) cho biết, gia đình ông có mảnh đất rẫy chuyên trồng chuối và cây keo thì bất ngờ bị san ủi để làm đường dẫn ống trong quá trình thi công thủy điện Nước Chè. Do đó gia đình ông kiến nghị với chủ đầu tư và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù.

Ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã Phước Năng, cho hay dù chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Chè đã san lấp đất rẫy của 43 hộ dân nhưng vẫn chưa đền bù cho họ. Trong 3 năm qua, người dân đi đòi tiền bồi thường nhưng chỉ được chủ đầu tư hứa suông. Xã cũng đã làm nhiều văn bản kiến nghị lên huyện yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết cho dân nhưng chưa thấy giải quyết. Ước tính tổng số tiền chủ đầu tư nợ của 43 hộ dân hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, khi thủy điện đưa vào xây dựng đã làm hư hỏng một cây cầu treo và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Khi người dân và chính quyền kiến nghị thì chủ đầu tư hứa sẽ làm lại cầu treo, khoan giếng nước nhưng hứa mấy năm nay vẫn chưa thực hiện.

Tại xã Phước Mỹ có khoảng 80 hộ dân ở địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp với khoảng 60ha đất rẫy trong lòng hồ.

Ông Hồ Văn Bê - Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho hay, hơn 1km đường ống dẫn nước đi qua đất sản xuất của người dân, dù đã tiến hành đo đạc nhưng một số hộ dân vẫn chưa được nhận đền bù. “Điều đáng nói, khi dự án thủy điện dựng lên đã lấn chiếm rừng phòng hộ mỗi nơi một ít, với khoảng 7ha. Khi phát hiện, huyện đã xử phạt và đang tiếp tục xin chủ trương của tỉnh” - ông Bê nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn