MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình người hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức xúc động trong giây phút tiễn biệt người thân. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức cung cấp

Gian nan vận động hiến tạng, hồi sinh những ca bệnh ngấp nghé cửa tử

Thùy Linh LDO | 24/03/2023 07:57

Danh sách chờ ghép tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia luôn có khoảng 3000 bệnh nhân. Đây là những ca bệnh nặng, ngấp nghé "cửa tử", nếu như không có nguồn tạng hiến từ người cho chết não thì họ sẽ không có cơ hội sống. 

Nhiều bệnh nhân đã không thể chờ đợi

Trên thế giới, 80% bệnh nhân không có khả năng chờ đến lúc có nguồn tạng hiến. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Những người chờ được ghép tạng cứ sống mòn, sống lay lắt như những ngọn đèn dầu sắp cạn. 

"Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn, chờ đợi mỏi mòn, đã không thể qua khỏi"- GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ. 

Đơn cử, bệnh viện từng tiếp nhận một trường hợp người nhà đồng ý hiến tạng con bị tai nạn giao thông chết não, bởi trong gia đình đó, chính em của nạn nhân đã chờ ghép phổi, chờ 5 tháng trời mỏi mòn, không có nguồn cho đã ra đi vĩnh viễn...

"Từng chứng kiến người thân mất đi vì không chờ đợi được nguồn tạng hiến, nên khi gia đình không may có người bị tai nạn không thể qua khỏi, các thành viên trong gia đình đã đồng ý hiến tạng để cứu những người khác"- GS Giang nói. 

GS Trần Bình Giang cho biết đã có nhiều người bệnh không thể chờ đợi đến lúc có nguồn tạng hiến. Ảnh: Thùy Linh

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm ghép tạng - cho hay, việc khan hiếm nguồn tạng hiến là thách thức lớn nhất đối với ngành ghép tạng hiện nay.

Từng có bệnh nhân đã lên bàn mổ nhưng gia đình người hiến tạng thay đổi ý định, không đồng ý hiến tạng người thân đã chết não. Vì thế mà cuộc phẫu thuật phải dừng lại.

"Có trường hợp bố mẹ, vợ con của người hiến tạng đều đã đồng ý hiến tạng người thân để cứu những người khác nhưng khi các thủ tục đã tiến hành xong xuôi, bệnh nhân chờ ghép tạng cũng đã chuẩn bị lên bàn mổ để được ghép tạng thì có một người trong họ của người hiến đến và không đồng ý cho hiến tạng người đã khuất. Vì thế cuộc ghép phải dừng lại.

Chúng tôi không thể lấy nguồn tạng hiến để cứu những người khác nếu như có người thân trong gia đình người hiến không đồng ý"- PGS Nghĩa chia sẻ một sự thật đau lòng.

PGS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng. Ảnh: Thùy Linh

GS Trần Bình Giang đặt vấn đề: "Pháp luật quy định người thân của người hiến tạng không đồng ý thì chúng tôi cũng không thể ghép tạng cho người khác.

Thế nhưng, người thân là như thế nào thì pháp luật cũng không có quy định rõ. Chỉ một người trong nội tộc phản đối, thì cuộc ghép tạng cũng không thể tiến hành". 

Đối mặt sự hiểu lầm khi vận động hiến tạng

Thạc sĩ Phạm Thị Đào - Trưởng đơn vị tư vấn và điều phối trung tâm ghép tạng đã có hành trình gần 13 năm lặn lội khắp nơi để vận động gia đình, người thân những người chết não hiến mô tạng. Bà đã gặp nhiều trường hợp xúc động, những nguyện vọng hiến tạng cao cả của gia đình người bệnh.

Thế nhưng, bà và các cộng sự cũng đối mặt không ít khó khăn, những lời từ chối, hiểu lầm, những cái lắc đầu quầy quậy, thậm chí là buông lời khó chịu.

"Khi gia đình có bệnh nhân chết não, họ luôn trong tình trạng sốc vì người thân thường là lao động chính.

Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ nghĩa cử của mình sẽ bị đồn thổi thành buôn bán tạng. Nỗi lo lắng của gia đình các bệnh nhân là có thật, phải làm sao họ vượt qua được nỗi sợ hãi đó, để đồng ý hiến tạng cứu người"- bà Đào nói. 

Không ít người hiểu lầm rằng chi phí phẫu thuật ghép tạng rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng, số tiền này gia đình người hiến tạng được hưởng. Tuy nhiên, điều này không chính xác.

Các gia đình người hiến tạng chỉ được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân và một chút mai táng phí với trường hợp người thân chết não. Người sống hiến tạng được tặng bảo hiểm y tế và được ưu tiên nếu sau này có nhu cầu ghép tạng. 

Nhờ nghĩa cử cao đẹp của anh Đ.M.K. (32 tuổi, trú tại Bắc Giang)- ca chết não hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức và gia đình người hiến, nhiều bệnh nhân khác đã được cứu sống. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Do một phần có những hiểu sai như vậy, mà chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục người thân, gia đình người hiến tạng", thạc sĩ Đào nói.

Việc hiến tạng cứu người là hoàn toàn thiện nguyện, xuất phát từ lòng nhân ái, tình con người, muốn sự sống được trao đi và nối tiếp. 

Thực tế khó khăn đó, mà trong suốt nhiều năm qua, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Riêng tại BV Việt Đức, từ 100 ca chết não hiến tạng, các chuyên gia đã thực hiện 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi... Hàng trăm cuộc đời mới đã được hồi sinh từ những nghĩa cử cao đẹp của người hiến mô tạng và gia đình họ. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn