MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tàu bán hàng rong cập vào tàu du lịch để bán san hô cho du khách. Ảnh: Nguyễn Hùng

Gian nan xử lý tàu bán hàng rong lừa du khách và tấn công tàu du lịch vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 12/09/2018 14:03
Sau khi báo Lao Động đưa tin hàng loạt tàu bán hàng rong lừa đảo, chặt chém du khách bị thiêu hủy, một số bạn đọc phản đối việc đốt tài sản của  dân. Tuy nhiên, theo TP.Hạ Long, việc tiêu hủy là đúng luật bởi tàu vi phạm, không có giấy tờ, biển kiểm soát và sau một thời gian thông báo, không ai đến nhận.
Hai tàu bán hàng rong truy đuổi nhau như phim hành động để tranh giành địa bàn.

Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, ngoài hàng trăm trường hợp lên tàu du lịch bán hàng rong, còn rất nhiều vụ việc những người bán hàng rong tấn công thuyền viên tàu du lịch, lực lượng chức năng, phá hủy tài sản.

Trong đó, ngày 18.9.2017, một số đối tượng hành nghề đeo bám bán hàng rong đã phá hỏng camera an ninh và đe dọa, hành hung chủ tàu, thuyền viên tàu du lịch QN 6938 vì không cho tàu của các đối tượng bám vào để bán hàng.

Ngày 28.10.2017, Nguyễn Văn Năm (trú tại phường Tuần Châu, TP.Hạ Long) hành hung ông Vũ Đình Tâm - thuyền trưởng tàu QN 2678 do không cho đối tượng bám vào tàu để bán hàng.

Ngày 21.1.2018, Đỗ Văn Hải (trú tại phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long) hành hung ông Trần Ngọc Quý - nhân viên BQL vịnh Hạ Long – đang làm việc tại nhà bè công vụ do ngăn cản đối tượng hành nghề.

Theo hồ sơ của công an, năm 2012, thuyền trưởng tàu QN 2998, khi đang đưa 34 khách Đài Loan đi thăm vịnh, bị một đối tượng đánh chảy máu đầu do không cho đò gắn máy của đối tượng này bám vào để bán hải sản. Năm 2016, đối tượng này cũng chửi bới, đánh một HDV vì không để đoàn du khách Trung Quốc mua hải sản của đối tượng này nhằm tránh bị “chặt chém”.

Một video clip gần đây do du khách quay được về hai tàu bán hàng rong truy đuổi nhau như phim hành động, trước mắt các du khách trong và ngoài nước, để tranh giành địa bàn, phần nào phản ánh thực trạng “thị trường” bán hàng rong trên vịnh Hạ Long.

Ông Phạm Đình Huỳnh – Phó Ban quản lý vịnh Hạ Long – cho biết, những vụ việc trên khiến du khách bức xúc, gây tổn hại đến hình ảnh du lịch Hạ Long và gây mất trật tự an ninh, xã hội, giao thông đường thủy.

 Việc tàu hàng rong cập vào tàu du lịch còn gây mất an toàn giao thông. Ảnh: CTV

Trước việc một số ý kiến đề nghị phải bán đấu giá tàu bị tịch thu, ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long – cho rằng, thành phố đã làm đúng luật: Thu giữ tàu đã lập biên bản; đăng và niêm yết thông báo tìm chủ sở hữu tàu trên cổng thông tin điện tử tỉnh QN và tại một số cảng, bến… Tuy nhiên, không ai đến nhận tàu, bởi cơ bản tàu không có đăng ký, đăng kiểm.

Theo một số ngư dân trên vịnh Hạ Long, giả sử bán đấu giá thì người mua cũng rất phân vân bởi nếu mua phải đi đăng ký, đăng kiểm cũ thì có đăng kiểm lại được không.

Theo ông Hồ Quang Huy, hiện một số người còn đánh đồng giữa tàu bán hàng rong và tàu đánh cá của ngư dân. “Tàu của ngư dân cũng vi phạm nhiều, chủ yếu về đánh bắt hủy diệt, nhưng không bao giờ bị đốt, chỉ xử lý hành chính. Chúng tôi nắm rõ được tất cả tàu đánh cá, tàu bán hàng rong trên vịnh Hạ Long” – ông Huy khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn