MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm robot đưa thức ăn vào khu cách ly do giảng viên Đại học Bách Khoa chế tạo theo đơn đặt hàng của một bệnh viện. Ảnh: Anh Ngọc

Giảng viên, sinh viên Đà Nẵng chế tạo sản phẩm chống dịch thần tốc

Thuỳ Trang LDO | 19/04/2020 07:15
Máy sát khuẩn tay tự động do sinh viên Đại học (ĐH) Bách Khoa Đà Nẵng được ra đời bản thử nghiệm chỉ sau 3 ngày nghiên cứu. Và chưa đầy 10 ngày sau, hàng loạt máy đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hay robot đưa thức ăn vào khu cách ly, chỉ sau 5 ngày được một bệnh viện đặt hàng. Các sinh viên đã cho ra mắt sản phẩm và nay, có doanh nghiệp đã đề nghị kí hợp đồng để tiếp tục nghiên cứu nâng cấp sản phẩm. Đó là những gì mà các sinh viên Đà Nẵng đang chung tay cùng cộng đồng chống dịch COVID-19.

Bệnh viện sử dụng máy sát khuẩn tự động “made by sinh viên”

Đại học (ĐH) Bách Khoa Đà Nẵng vừa bàn giao 10 máy sát khuẩn tự động do chính các sinh viên nhà trường chế tạo, để đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng phục vụ cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, nhân viên y tế tại đây.

Sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động là kết quả nghiên cứu của nhóm 4 sinh viên Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai của CLB nghiên cứu khoa học BK-Maker Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Ngô Đình Thanh - Giảng viên Khoa Điện.

Sản phẩm bắt nguồn từ yêu cầu thực tế Bệnh viện Đà Nẵng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cần hạn chế sự lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bất ngờ hơn, chỉ sau 3 ngày nhận được đơn đặt hàng của đơn vị này, nhóm sinh viên đã cho ra đời bản thử nghiệm, đưa vào hoạt động để lấy ý kiến, nghiên cứu điều chỉnh. Chưa đầy 10 ngày sau đó, một phiên bản máy sát khuẩn tự động hoàn chỉnh đã được chính thức bàn giao cho bệnh viện.

Các sinh viên cho biết, cách sử dụng của máy cũng rất đơn giản khi người sử dụng chỉ cần đưa tay vào khu vực phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị sẽ tự động phun dung dịch lên tay. Chỉ mất khoảng 3-5 giây sau, máy sẽ cung cấp lượng dung dịch đủ để rửa tay. Cấu tạo chính của máy rửa tay sát khuẩn gồm 4 bộ phận chính: Mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác.

Chia sẻ trong ngày bàn giao sản phẩm hoàn chỉnh, Phan Thị Mai - một trong những thành viên nhóm nghiên cứu - hào hứng cho hay, trong quá trình nghiên cứu, cả nhóm cũng đã đã tìm tòi những thiết bị phù hợp với môi trường y tế, tiết kiệm được dung dịch, đảm đảo giá thành rẻ nhất để có thể đưa đến nhiều cơ sở chống dịch. “Việc có thể đưa ra một sản phẩm hữu ích cho công tác chống dịch là niềm vui lớn với cả nhóm” - Mai chia sẻ.

Đánh giá về những sản phẩm “made by sinh viên” này, bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - chia sẻ: “Việc rửa tay đúng cách, thường xuyên là một trong những biện pháp giúp phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả đã được các chuyên gia khuyến cáo. Chính vì vậy, sản phẩm máy sát khuẩn tự động với tiêu chí sử dụng nhanh, tiện lợi, ít tiếp xúc bề mặt của các sinh viên sẽ giúp hàng nghìn người ra vào bệnh viện mỗi ngày được rửa tay một cách nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng sản phẩm của nhà trường sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều cơ sở y tế khác để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả”.

Máy sát khuẩn tay tự động “made by sinh viên” được đưa vào sử dụng tại bệnh viện ở Đà Nẵng để chống dịch. Ảnh: Thuỳ Trang

Giảng viên chế tạo robot đưa thức ăn vào khu cách ly

Không chỉ có sản phẩm máy sát khuẩn tự động, thời gian qua, sinh viên, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã có nhiều sáng chế trong mùa dịch COVID-19 khi sản xuất nước rửa tay dạng lỏng, dạng gel, đặc biệt, hồi cuối tháng 3, cũng theo đơn đặt hàng của một bệnh viện, một sản phẩm robot thay thế nhân viên y tế đưa thức ăn vào khu vực cách ly bệnh nhân nghi nhiễm COVID- 19 đã được ra đời, đưa vào hoạt động.

Robot trên có tên là “BK-AntiCovid” do nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Cũng với tốc độ “thần tốc”, chỉ trong 5 ngày, nhóm giảng viên khoa Cơ khí, đã chế tạo thành công robot “BK-AntiCovid” với cấu tạo thép không gỉ (inox) 3 ly, khung đúc liền để không bị thấm nước. Trong quá trình vận hành, đơn vị sử dụng có thể xịt, phun thuốc khử trùng, hóa chất lên robot theo yêu cầu của y tế mà vẫn đảm bảo các mạch, linh kiện hoạt động ổn định.

Về phần lập trình, TS Võ Như Thành - Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí - cho biết, với việc di chuyển với tốc độ chậm, điều khiển bằng chế độ cầm tay, chỉ có một nút điều khiển đi đa hướng, người điều kiến quay hướng nào thì robot sẽ đi theo hướng đó nên tương đối dễ dàng khi sử dụng.

Bác sĩ Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng - cho hay, robot khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm thiểu số lượt nhân viên y tế ra vào khu cách ly, vừa tránh nguy cơ lây lan vừa bảo vệ được sức khỏe cho đội y bác sĩ.

Đánh giá về những sản phẩm của thầy và trò nhà trường, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng - nói rằng, nghiên cứu khoa học, đặc biệt các sản phẩm ứng dụng là phong trào thường xuyên và diễn ra sâu rộng trong nhà trường. Bên cạnh việc học tập các kiến thức, nhà trường cũng tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên làm các dự án, từ đó các bạn có những kinh nghiệm thực tế.

“Riêng trong mùa dịch này, tôi cho rằng đây là dịp những tiềm năng của các em sinh viên cũng như các giảng viên được thể hiện. Khi các bạn nhìn nhận xã hội đang có những vấn đề cần giải quyết, bằng kiến thức của mình có thể đưa ra những sản phẩm giúp ích cho cộng đồng, mang tính nhân văn cao mà trực tiếp ở đâu là giải quyết những khó khăn cho các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch COVID-19, đó là điều nhà trường luôn khuyến khích” - ông Vinh nói.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn