MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè phố Phùng Hưng đoạn giao với phố Hà Trung vừa bị bàn ghế, vừa bị xe cộ chiếm trọn (ảnh chụp ngày 17.4). Ảnh: Phạm Đông

Giành lại vỉa hè ở Hà Nội: Giải bài toán sinh kế của dân thay vì cho thuê

PHẠM ĐÔNG LDO | 17/04/2023 17:21

Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại Hà Nội đang trở thành một đề xuất được quan tâm. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cho thuê vỉa hè để kinh doanh không phải là một ý tưởng tốt, thậm chí có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Hà Nội nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè

Hà Nội đang ráo riết và quyết tâm thực hiện chiến dịch lập lại trật tự hè phố. Tại cuộc họp mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng để hài hòa giữa đảm bảo trật tự đô thị, phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, các cơ quan cần nghiên cứu cách làm căn cơ, duy trì kết quả lâu dài, không "bắt cóc bỏ đĩa", lãng phí nguồn lực.

Ông Dũng yêu cầu các quận mạnh dạn thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đang bám vỉa hè kiếm sống.

Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ.

Trên thực tế, hơn một năm trước, đã có 5 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm được thí điểm cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh với giá thuê là 45.000 đồng/m2 một tháng.

5 tuyến phố gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động từ 6h ngày hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h.

Xe cộ bao vây vỉa hè phố Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Đông

Đồng tình với phương án cho thuê vỉa hè, ông Công Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, qua nắm tình hình, lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân… Ban Chỉ đạo 197 phường Nhật Tân đang kiến nghị UBND quận Tây Hồ xem xét cho thuê vỉa hè tại những khu vực đủ điều kiện, bố trí lại khu vực dành cho người đi bộ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo ông Tuấn, để thuận tiện cho các hộ dân kinh doanh, đảm bảo lối đi bộ cho người dân, Ban Chỉ đạo 197 phường Nhật Tân đề xuất tạo điều kiện ký hợp đồng cho thuê vỉa hè đối với phần vỉa hè phía hộ nhà dân, dành riêng phần vỉa hè phía vườn hoa cho người đi bộ.

Nhiều tác động tiêu cực khi cho thuê vỉa hè

Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là không đảm bảo được sinh kế của người dân. Do đó, nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề này, đây sẽ tiếp tục là câu chuyện dài không có hồi kết.

Trao đổi với Lao Động ngày 17.4, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, cần hiểu cho đúng khái niệm về vỉa hè.

Đây là không gian chuyển tiếp giữa hệ thống giao thông với các công trình xung quanh, dành riêng cho người đi bộ. Trong khi đó, trải qua từng thời kỳ khác nhau nên vỉa hè rất đa dạng, có chỗ hẹp và có nơi rất rộng.

Người đi bộ len lỏi qua hàng xe đỗ trên vỉa hè. Ảnh: Phạm Đông 

Theo ông Nghiêm, việc khai thác vỉa hè không nên làm đồng loạt và cần có định hướng nhất định. Cần phân loại vỉa hè, giành ra những tuyến phố đủ điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không nên có quan điểm cho thuê.

"Không nên cho thuê vỉa hè mà nên quản lý chặt chẽ việc dừng đỗ xe, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, buôn bán. Chỉ dành một ít vỉa hè, đủ ngăn lắp cho người dân kinh doanh buôn bán, cho thuê và có quản lý, giám sát", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Còn TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông cho biết, về lâu dài, bền vững và đúng luật thì vỉa hè không được cho thuê. Vỉa hè theo luật, theo đúng chức năng của nó là dành cho người đi bộ. Việc cho thuê vỉa hè sẽ gây ra nhiều vấn đề khác như gây ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng đến mĩ quan thành phố.

Ông Thủy nêu rõ, việc thu phí vỉa hè vô tình dung dưỡng vi phạm trật tự đô thị, luật giao thông.

"Giờ cho thuê vỉa hè thì làm sao có được lề thông, hè thoáng, đường phố sạch đẹp để thu hút khách du lịch đây? Đường đang đông, xe đang chạy tấp vào lề để mua sắm, sử dụng dịch vụ sẽ rất lộn xộn. Chẳng biết vỉa hè lợi đến đâu nhưng cái phiền phức và thiếu văn minh thì ở trước mặt rồi đó" - ông Thủy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn