MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè bị chiếm dụng, không có lối đi bộ, người dân phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Phạm Đông

Giành vỉa hè cho người đi bộ: Quản không được, cho thuê chỉ thêm nhếch nhác

PHẠM ĐÔNG LDO | 09/03/2023 06:25

Tình trạng vỉa hè ở Hà Nội biến thành hàng quán, bãi xe diễn ra nhiều năm qua khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông. Nếu cho thuê vỉa hè sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không có được lề thông, hè thoáng, đường phố sạch đẹp để thu hút người đi bộ.

Nhiều năm qua Hà Nội đã loay hoay với bài toán dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây mất trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế.

Trên một con phố ở Hà Nội, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra ngay tại thời điểm Hà Nội đang ra quân. Điều này không lạ bởi vỉa hè trước nay đang mạnh ai nấy chiếm.

Đáng chú ý, mới đây Hà Nội đã phát động lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội yêu cầu: Phân tích mối tương quan giữa duy trì trật tự đô thị và phát triển kinh tế; đồng thời gợi ý xây dựng chính sách quản lý vỉa hè, lòng đường để quản lý, chống lấn chiếm.

Trong đó, xây dựng đề án quản lý hè phố, lòng đường để quản lý chặt chẽ, chống lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Các cơ quan nghiên cứu, sớm đề xuất, tổ chức diễn đàn để tham vấn ý kiến chuyên gia… sớm có nghị quyết để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bền vững và cũng giảm tải nhiệm vụ cho lực lượng cơ sở.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, theo Luật Giao thông, việc biến vỉa hè thành nơi kinh doanh là không được. Vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải là nơi để kinh doanh và nơi để phương tiện.

Ông Thủy đặt câu hỏi, nếu cho thuê vỉa hè thì bao giờ chỉnh trang đô thị được. Những mặt lợi ích từ việc này chưa cơ sở, làm sai lệch mục đích sử dụng của vỉa hè. Nếu muốn dẹp được nạn xâm lấn vỉa hè thành của riêng thì phải bắt đầu từ cấp chính quyền cơ sở.

Riêng đối với cơ quan chức năng, người cao nhất phải chịu trách nhiệm, nơi nào làm không tốt phải xử lý nghiêm Chủ tịch UBND phường. UBND thành phố và quận phải theo dõi giám sát và báo cáo hàng tuần. Việc xử phạt cần xử lý thường xuyên, liên tục và lâu dài chứ không phải chỉ một vài đợt ra quân, rồi sau đấy lại buông lỏng.

"Vấn đề dẹp vỉa hè đã quá cũ và bàn đi bàn lại bao nhiêu lần, "quyết" đập cả bục rồi thu dọn vỉa hè nhưng đâu lại nguyên đó. Khi chưa quản lý, vẫn để vỉa hè bị lấn chiếm thì cũng đừng nghĩ đến việc cho thuê", ông Thủy nói.

Vỉa hè thành nơi trông giữ xe, người dân không còn lối đi. Ảnh: Phạm Đông

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, với tuyến đường thuần tuý chỉ dành cho lưu thông thì không nên cho phép dùng vỉa hè để kinh doanh. Nếu cho phép kinh doanh đại trà trên vỉa hè thì nó sẽ tạo ra sự nhếch nhách của đô thị.

Bên cạnh đó, việc cho thuê vỉa hè có thể gây ra những xung đột về lợi ích. Đối với những người buôn bán kinh doanh sẽ tạo sự cạnh tranh, gây xung đột về kinh tế giữa các hộ kinh doanh khác nhau. Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường  gây ảnh hưởng lớn đến giao thông.

Mặt khác, việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán không chỉ ảnh hưởng đến người đi bộ hay giao thông công cộng mà còn ảnh hưởng đến những hộ dân sống quanh đó bởi rác thải, tiếng ồn.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, nửa tháng trước, TP Hà Nội bắt đầu tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn. Chính quyền đặt mục tiêu trả lại nguyên trạng hè phố cho người đi bộ, nhất là tại 12 quận.

Các trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy chiếm dụng hè phố, lòng đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn